Sửa gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Lãi vay sẽ thấp hơn 3% mức bình quân
(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết sửa đổi gói 120.000 tỷ đồng cho vay đối với nhà ở xã hội. Lãi vay mua nhà ở xã hội sẽ giảm 3% so với mức lãi suất bình quân của ngân hàng.
Thông tin trên được ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước , nêu tại Họp báo thông tin về hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 23/7.
Từ tháng 4/2023, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà xã hội, nhà ở công nhân được kỳ vọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây một triệu căn nhà ở xã hội đến 2030. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, kết quả giải ngân rất thấp.
Tính tới nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có 4 ngân hàng có vốn Nhà nước tham gia. Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, mỗi ngân hàng tham gia 30.000 tỷ đồng và thêm 4 ngân hàng TMCP tư nhân đăng ký tham gia, mỗi ngân hàng tham gia 5.000 tỷ đồng.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tính đến nay, gói tín dụng này mới giải ngân được 1.344 tỷ đồng. Agribank giải ngân được nhiều nhất.
Để hỗ trợ người vay mua nhà ở xã hội, ông Đào Minh Tú thông tin Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Chính phủ giảm lãi suất cho vay mua nhà, mức 3% so với lãi suất bình quân của 4 ngân hàng có vốn Nhà nước.
Như vậy, mức ưu đãi được đề xuất sẽ tăng thêm 1% so với mức áp dụng hiện nay là 2%. Thời gian xác định lãi suất cho vay 3 tháng/lần, được rút ngắn một nửa so với hiện nay.
Thời gian ưu đãi 5 năm, thay vì 3 năm như trước. Ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục ưu đãi lãi suất cho người vay với mức thấp hơn lãi vay thương mại tối thiểu 1-2% thay vì quy định thả nổi như hiện tại.
"Riêng chính sách cho vay với chủ đầu tư sẽ được giữ nguyên như hiện tại", ông Tú nói. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng cũng như các tập đoàn kinh tế lớn thúc đẩy cho nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội.
Thông tin thêm về kết quả triển khai chính sách cho vay nhà ở xã hội, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết gói tín dụng 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm là do nhiều địa phương vẫn chưa công bố danh mục nhà ở xã hội (mới có 34/63 địa phương công bố).
Trong số 78 dự án nhà ở xã hội đã được các địa phương công bố, nhiều dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn. Một số dự án khi được ngân hàng tiếp cận lại đang gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý (vướng mắc về thủ tục giải phóng mặt bằng, chưa khởi công…) nên chưa đủ điều kiện để ngân hàng cho vay.
Liên quan đến các hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm nay, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đồng thời, đơn vị này sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Nhà điều hành tiền tệ đồng thời điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Song song đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ triển khai Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" góp phần phát triển hệ thống các ngân hàng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.