1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sự vĩ đại sau những công việc “không tên”, “không lương” của phụ nữ

(Dân trí) - Theo Oxfam, phụ nữ dành hàng tỷ giờ đồng hồ để nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc cho người già và trẻ em - những công việc chăm sóc không lương này chính là “động cơ ẩn” giữ cho bánh xe nền kinh tế, doanh nghiệp và xã hội vận hành trơn tru.

 Sự vĩ đại sau những công việc “không tên”, “không lương” của phụ nữ - 1

Phần lớn phụ nữ phải làm những công việc không lương và họ bị mắc kẹt ở tận đáy nền kinh tế (ảnh minh hoạ: Internet)

Một báo cáo của tổ chức Oxfam vừa công bố mới đây đã đưa ra nhận định rằng, nền kinh tế bất bình đẳng giới đang làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng bất bình đẳng và “tiếp tay” cho giới thượng lưu giàu có chiếm hữu một lượng tài sản không ngừng tăng lên với cái giá phải trả là tổn thất của những người dân bình thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái nghèo.

Cụ thể, theo thống kê của Oxfam, 22 người đàn ông giàu nhất thế giới có nhiều của cải hơn tất cả phụ nữ châu Phi cộng lại.

Theo ông Amitabh Behar, Giám đốc điều hành của Oxfam Ấn Độ - đại diện của Oxfam tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2020, phụ nữ và trẻ em gái nằm trong nhóm được hưởng lợi ít nhất từ hệ thống kinh tế hiện nay.

Họ dành hàng tỷ giờ đồng hồ để nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc cho người già và trẻ em. Những công việc chăm sóc không lương này chính là “động cơ ẩn” giữ cho bánh xe nền kinh tế, doanh nghiệp và xã hội vận hành trơn tru.

Theo đánh giá của Oxfam, phụ nữ - những người thường có rất ít thời gian dành cho việc học, kiếm tiền đủ cho một cuộc sống tử tế, hay có tiếng nói trong việc xây dựng xã hội, và do đó họ là những người bị mắc kẹt ở tận đáy nền kinh tế.

Phụ nữ đang đảm nhiệm hơn 3/4 tổng lượng công việc chăm sóc không lương. Họ thường phải cắt giảm giờ làm hoặc bỏ việc vì bị quá tải bởi công việc chăm sóc hàng ngày.

Ước tính có 42% phụ nữ trên toàn cầu không thể có việc làm vì phải chịu toàn bộ trách nhiệm chăm sóc, so với chỉ 6% nam giới.

Nữ giới cũng chiếm 2/3 “lực lượng lao động chăm sóc” có lương. Những công việc như người nuôi dạy trẻ, người giúp việc, phụ tá chăm sóc thường bị trả lương thấp, phúc lợi nhỏ giọt, bị ép buộc làm việc với giờ giấc thất thường và tiềm ẩn những tổn thất về thể xác và tinh thần.

Áp lực đặt lên những người chăm sóc, có lương cũng như không lương, sẽ tăng cao trong thập kỷ tới khi dân số thế giới tăng lên và già đi. Ước tính đến năm 2030, thế giới sẽ có 2,3 tỷ người cần được chăm sóc, tăng 200 triệu người so với năm 2015.

Oxfam cho rằng, các chính phủ cần ban hành các đạo luật để giảm bớt khối lượng công việc chăm sóc khổng lồ đặt nặng lên vai phụ nữ và đảm bảo rằng những người đang đảm nhận những công việc quan trọng nhất trong xã hội - chăm lo cho cha mẹ, con cái chúng ta và những người yếu thế nhất- được hưởng một mức lương đủ sống.

“Các chính phủ cần phải coi trọng và ưu tiên công việc chăm sóc như tất cả các nhóm nghề khác để tạo dựng nền kinh tế vì con người (human economies) đem lại lợi ích cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho một thiểu số may mắn,” ông Behar nói.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm