Sự trở lại của “nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam”; tài sản đại gia chứng khoán bật tăng

(Dân trí) - Sau hai phiên giảm giá khá mạnh đầu tuần, cổ phiếu VJC của hãng bay Vietjet Air đã hồi phục ấn tượng, kéo tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo - người phụ nữ giàu nhất Việt Nam gia tăng mạnh.

Phiên giao dịch ngày 20/6, thị trường chứng khoán trải qua một phiên giao dịch giàu cảm xúc khi VN-Index bứt phá tăng khá mạnh với mức tăng 9,49 điểm tương ứng tăng 1% lên 959,18 điểm và HNX-Index cũng vọt tăng 1,29 điểm tương ứng 1,24% lên 105,06 điểm.

Trên quy mô toàn thị trường, số lượng các mã tăng giá áp đảo hoàn toàn so với số mã giảm. Cụ thể, theo thống kê có 363 mã tăng, 48 mã tăng trần so với 265 mã giảm và 35 mã giảm sàn.

Chỉ số chính nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ các mã VCB, CTG, PLX, BID… Trong đó, riêng VCB đóng góp tới 1,88 điểm cho VN-Index. Chiều ngược lại, HPG, MSN, POW, SAB giảm giá.

Sự trở lại của “nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam”; tài sản đại gia chứng khoán bật tăng - 1

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (giữa) đang là người phụ nữ giàu nhất nước, theo Forbes

Cổ phiếu VJC của hãng bay Vietjet Air hôm qua tăng giá mạnh 3.800 đồng tương ứng 3,18% lên 123.300 đồng/cổ phiếu. Trong phiên trước đó, VJC cũng hồi phục mạnh 1.500 đồng/cổ phiếu sau khi giảm khá mạnh vào hai phiên đầu tuần.

Sự hồi phục của cổ phiếu VJC bên cạnh yếu tố hỗ trợ của thị trường chung còn xuất phát từ việc VietJet cho biết hoạt động của hãng bay này đã trở lại bình thường từ ngày 16/6, ổn định, đáp ứng nhu cầu di chuyển trong mùa cao điểm hè của hành khách.

Trước đó, do trễ kế hoạch nhận tàu bay mới và nguyên nhân khai thác, một số chuyến bay của Vietjet đã phải điều chỉnh thời gian khởi hành trong hai ngày 14-15/6.

Sự hồi phục của cổ phiếu VJC cũng giúp tài sản trên sàn chứng khoán của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air cải thiện do bà Thảo vừa là nhà sáng lập, vừa là cổ đông cá nhân lớn nhất của hãng bay này.

Trở lại với thị trường chứng khoán, theo ghi nhận của VSDC, các mã tăng giá tích cực như HVG (tăng 7%), CTG (3,7%), PDR (3,6%), VPB (3,5%), PLX (3,3%) và số mã tăng giá 2% chiếm tỉ lệ khá nhiều. Bên cạnh đó, sàn HNX có 73 mã tăng và 69 mã giảm giá, các mã ảnh hưởng lớn đến điểm số HNX-Index như ACB (2,4%), PVI (3,3%), PVS (1,8%), DBC (9,2%)...

Dẫn dắt và tác động tích cực lên VN-Index ngày hôm nay là nhóm ngân hàng với mức ảnh hưởng lên đến 5,13 điểm (tương ứng 0,54%), các nhóm ảnh hưởng khác như bất động sản (1,26 điểm), dầu khí (0,83 điểm), du lịch và giải trí (0,95 điểm) cũng có diễn biến khá tốt.

Hôm nay khối ngoại quay trở lại bán ròng nhẹ khi thị trường chứng khoán tăng mạnh. Cụ thể khối nhà đầu tư này bán ròng 10,46 tỷ đồng trên sàn HSX, tập trung vào các mã VHM, VNM, HDB...; bán ròng 2,2 tỷ đồng trên sàn HNX, chủ yếu ở cổ phiếu TNG; nhưng mua ròng mạnh trên sàn Upcom với 17,4 tỷ đồng, cụ thể ACV, GVR, CTR..

Điểm tích cực trong phiên giao dịch này đó là thanh khoản có sự cải thiện rõ rệt. Có tổng cộng 185,49 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HSX tương ứng 4.415,64 tỷ đồng và 22,95 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HNX tương ứng 325,72 tỷ đồng.

Theo nhận định của BVSC, thị trường được dự báo sẽ tiếp tục hướng đến thử thách vùng kháng cự 965-966 điểm trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng, phiên giao dịch hôm nay cũng là thời điểm cuối cùng để các quỹ ETFs thực hiện tái cơ cấu danh mục trong kỳ review quý 2/2019. Do vậy, thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp biến động, rung lắc mạnh trong phiên cuối tuần.

Về diễn biến các nhóm ngành, các cổ phiếu ngân hàng và dầu khi đang bước vào nhịp hồi ngắn. Quá trình hồi phục của hai nhóm ngành này có thể sẽ diễn ra với độ dốc thoải và đan xen các phiên điều chỉnh.

Mai Chi