Sự thật đằng sau những con số thu nhập "khủng" của nhân viên ngân hàng

(Dân trí) - Sau khi Dân trí đăng tải bài viết: “Lộ sáng” thu nhập của nhân viên ngân hàng, qua hàng trăm comment của bạn đọc đã cho thấy thực tế thu nhập của nhân viên ngân hàng không "màu hồng" như trong các báo cáo tài chính.

Câu chuyện thu nhập - nỗi bức xức không của riêng ai (ảnh: AH).
Câu chuyện thu nhập - nỗi bức xức không của riêng ai (ảnh: AH).

Lương sếp - nhân viên: Chênh lệch một trời một vực

Trao đổi trực tiếp với phóng viên Dân trí, bạn L.B (xin giấu tên) làm việc ở bộ phận tín dụng của một ngân hàng tại Hà Nội chia sẻ: “Nếu chia bình quân thu nhập cho toàn thể nhân viên ngân hàng, số tiền mà mọi người lĩnh được có thể lên tới 20 triệu đồng - 30 triệu đồng/người/tháng. Nhưng trên thực tế, tôi làm ở bộ phận tín dụng, mức thu nhập hàng tháng chưa được 10 triệu đồng/tháng. Số tiền 20 triệu - 30 triệu đồng kia chính là số thu nhập bình quân mà nhân viên đang phải “cõng” cho các sếp. Ở ngân hàng tôi, cứ có “số má” là đồng nghĩa với lương tăng, thu nhập tăng. Lãnh đạo cao cấp trong ngân hàng hàng tháng lĩnh vài trăm triệu là chuyện bình thường”.

Sau khi Dân trí đăng tải bài viết về mức thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng (số liệu bóc tách từ bản báo cáo tài chính), bài báo đã nhận được hàng trăm comment của bạn đọc. Bạn đọc bui dinh thi (thibd@msb.com.vn) cho hay: “Đây là mức chi bình quân, không phản ảnh đúng thực tế. Nhiều nhân viên ngân hàng mức thu nhập chỉ có 3 - 4 triệu đồng một tháng. Mức lương cao đều tập trung vào các cấp lãnh đạo, có ngân hàng lương tổng giám đốc tới hơn một tỷ đồng, phó tổng giám đốc cũng vài trăm triệu, nên quỹ lương nhân viên chẳng còn bao nhiêu đâu mà có lương cao”.

Bạn hoangchau (hoangchau448@yahoo.com.vn) cho biết: Thu nhập nhân viên bình thường của Ngân hàng MB thực tế chỉ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Thời buổi khó khăn hiện nay thế cũng tốt lắm rồi, lấy đâu ra 21 triệu đồng.

Còn theo comment của Chàng Khờ (changkhoxuthanh83@gmail.com) thì: “Ai đọc qua cũng nghĩ nhân viên ngân hàng lương cao, sự thật không phải vậy. Thứ nhất, nhân viên ngân hàng làm việc rất áp lực, thời gian rảnh rỗi hoặc dành cho gia đình rất ít. Thứ hai, sự thật là lương của nhân viên không cao như thế. Đó là cách tính bình quân. Thực tế lương của các sếp hàng trăm triệu đồng, nhưng lương nhân viên chỉ 6 - 7 triệu. Ngân hàng tiếp tục cắt giảm từ 10-25% lương nên thực tế không bằng làm cho doanh nghiệp tư nhân bên ngoài”.

“Các bạn đùa à, lương ngân hàng giờ rất thấp. Tôi mới ra trường, xin vào được DAB, thử việc 2 triệu đồng/tháng, kí hợp đồng được 3 triệu, phụ cấp tiền ăn cũng được 500 nghìn/tháng, xong trừ bảo hiểm 400 nghìn đồng/tháng, còn lại 3,1 triệu đồng/tháng, mà làm tới 6 - 7 giờ tối. Tôi thấy mức lương cho nhân viên như vậy chán quá! Chuyển ngành, dạy kèm tại nhà, mỗi tháng rủng rỉnh cũng được khoảng 10 triệu đồng/tháng, sướng gấp 3 ngân hàng, mà được thoải mái về thời gian” - nickname Din (pkduy170391@gmail.com) chia sẻ.

Bạn đọc tên Dzung (dzungktmk@gmail.com) nói: “Nhân viên chỉ được khoảng 5 triệu - 7 triệu đồng/tháng thôi. Còn thưởng thì gần như bị cắt hoặc giảm ở hầu hết các ngân hàng rồi”.

Không chỉ nhân viên mà đến cả sếp cũng kêu không hề có mức lương khủng như báo cáo nêu. Độc giả Tuấn Hùng (zjz_tuanhung_zjz@yahoo.com.vn) cho biết: “Tôi làm Giám Đốc chi Nhánh của một ngân hàng cổ phần, lương cơ bản cũng có 12 triệu đồng, phụ cấp các loại chưa tới 20 triệu đồng/tháng, trong khi áp lực chi tiêu, áp lực hiệu quả... Quá khủng khiếp luôn”.

“Làm đẹp” báo cáo?

Qua các comment mà bạn đọc gửi về đang chỉ ra một thực tế, các báo cáo chỉ mang tính chất tham khảo, thậm chí ngân hàng còn làm đẹp số liệu qua báo cáo. Bạn đọc truong duc tuan (dtuan2410@gmail.com) cho rằng: “Hiện nay, nhân viên ngân hàng bình quân chỉ thu nhập không quá 6 triệu đồng. Đấy là đã bao gồm cả tiền làm thêm giờ, ăn ca... Hơn nữa, chênh lệch giữa nhân viên và lãnh đạo trong ngành là quá lớn (5-20 lần), do đó không thể tính bình quân như thế được. Ngoài ra tất cả báo cáo chỉ mang tính chất tham khảo”.

Cùng chung ý kiến trên, bạn đọc leminh0379@yahoo.com.vn cho hay: “Nếu cứ lấy tổng quỹ lương mà chia bình quân đầu người như thế thì làm sao thấy rõ được bản chất thực của vấn đề trong khi còn nhiều vấn đề khác không được đề cập đến như: số liệu thực chất hay là số liệu báo cáo cho đẹp, mức lương cụ thể của nhân viên với lãnh đạo, việc chia thưởng theo tỷ lệ như thế nào, công sức lao động công với trách nhiệm công việc cũng như thời gian làm việc thực tế. Có những nhân viên nhân viên phải làm việc từ 7h15 sáng cho tới 7h30 - 8h tối mỗi ngày ... mà lương không được cao đến như bài báo phân tích”.

Theo bạn Thu Hương (Huongb@hotmail.com): “Kinh tế khó khăn, ngân hàng làm gì mà sinh lãi cao mà nhân viên thu nhập tốt được? Báo cáo tài chính có gì đảm bảo trung thực?”. Hay như Long (longhn@gmail.com): “Chủ nghĩa bình quân thôi. Như tôi chẳng hạn 1 tháng ký 25 triệu đồng/tháng nhưng thực lĩnh chỉ khoảng 8 triệu thôi”.

Thậm chí, một bạn đọc Đối (phanvandoi620@gmail.com) cho rằng bài báo chưa thể hiện hết sự thật. “Con số đó là chỉ tính bình quân thôi chứ làm nhân viên ngân hàng bây giờ cực lắm. Vợ tôi làm ngân hàng mà sáng đi từ 6h - 7h tối mới về, làm khôngcó thời gian nghỉ mà lương củng chỉ 5 triệu đồng/tháng. Có cao là chỉ mấy sếp trên thôi. Tính bình quân như vậy thấy cao nên giảm lương và cuối cùng chết ai thì chắc mọi người cũng biết rồi đấy”.

Hay như Nam Vung (namvungchodan@yahoo.com): “Tôi có người bạn làm việc ở ngân hàng cho biết, lương thì vẫn “bình thường” thôi! Nếu như ai biết “móc nối, ảo thuật giấy tờ, môi giới vay “cửa sau” thì phụ cấp sẽ gấp chục lần lương “cơ bản”. Cũng giống như nhân viên massage lương thì “có lệ”, chủ yếu là nhờ vào “kỹ thuật điêu luyện”, khách cho tiền “bo” , tính ra mỗi tháng cũng trên 15 triệu!”…

                                                                                                                                                                Nguyễn Hiền (tổng hợp)