Sốt ruột chờ cổ phần hóa Agribank: Vướng ở 76 cơ sở nhà đất

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo các quy định về pháp luật, lộ trình cổ phần hóa Agribank phụ thuộc vào quá trình phê duyệt phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất của Agribank tại các tỉnh, thành phố.

Sốt ruột chờ cổ phần hóa Agribank: Vướng ở 76 cơ sở nhà đất - 1

Đến nay Agribank vẫn còn 76 cơ sở nhà, đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt (Ảnh: VTV).

Chính phủ vừa có báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 134 ngày 17/11/2020 của Quốc hội khóa XIV về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Trong báo cáo, Chính phủ có đề cập chi tiết tới quá trình tăng vốn của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV.

Cụ thể, để nâng cao năng lực tài chính, hiện nay 4 ngân hàng đã và đang thực hiện tăng vốn điều lệ. Trong đó, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ theo Quyết định 107 của Thủ tướng Chính phủ.

VietinBank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước gần 7.000 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại VietinBank từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước.

Trong khi đó, Vietcombank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước hơn 7.000 tỷ đồng từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt.

Tại BIDV, ngân hàng đã xây dựng phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại của các năm 2018, 2019, 2020.

Báo cáo cũng cho biết quá trình thực hiện cổ phần hóa Agribank. Cụ thể, đến nay Agribank vẫn còn 76 cơ sở nhà, đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt.

Trong khi đó, theo các quy định về pháp luật, lộ trình cổ phần hóa Agribank phụ thuộc vào quá trình phê duyệt phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất của Agribank tại các tỉnh, thành phố.

Còn đối với 3 ngân hàng thương mại cổ phần mua bắt buộc và Ngân hàng Đông Á (DAB), báo cáo cho biết: Trên cơ sở chủ trương, định hướng của các cấp có thẩm quyền và căn cứ quy định, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung chỉ đạo 3 ngân hàng mua bắt buộc và DAB chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng.

Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động, kịp thời có ý kiến với các đề xuất, kiến nghị của các nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng, yêu cầu các bên phối hợp các bộ, ngành và cơ quan liên quan hoàn thiện phương án cơ cấu lại sơ bộ Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương theo định hướng mới.

Báo cáo cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị phê duyệt một số chủ trương cơ cấu lại 2 ngân hàng này trước khi xây dựng đề án chi tiết.

Đồng thời chỉ đạo Ngân hàng Dầu khí toàn cầu phối hợp với nhà đầu tư nước ngoài hoàn thiện phương án cơ cấu lại để xem xét, đánh giá và trình cấp có thẩm quyền. Phương án cơ cấu lại DAB cũng được khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ trong thời gian tới.

Trước đó, liên quan đến việc cổ phần hóa Agribank, ông Chu Mạnh Hùng - Phó Ban Cổ phần hóa Agribank cũng cho biết vấn đề đất đai là vấn đề lớn nhất khi ngân hàng chuẩn bị cổ phần hóa. Nếu không được phê duyệt phương án sử dụng đất thì Ngân hàng Nhà nước không thể ra quyết định cổ phần hóa được.

"Agribank có rất nhiều đất đai đa dạng nguồn hình thành, trải khắp đất nước, nhiều tài sản được chuyển giao nguyên trạng từ Ngân hàng Nhà nước sang khi ngân hàng được thành lập, do vậy, hồ sơ, thủ tục còn nhiều bất cập, vướng mắc", ông Hùng cho biết.

Đề cập tới ý kiến cho rằng ngân hàng không muốn cổ phần hóa nên kéo dài thời gian, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank - cũng từng cho biết: "Đây là nỗi trăn trở, sốt ruột, mong ngóng đối với chúng tôi. Cứ phải ăn đong, không có cách nào khác cả, chúng tôi không thể hàng năm cứ phát hành trái phiếu mãi được, phát hành cũng phải có giới hạn mà dư nợ thì mỗi năm đều có nhu cầu tăng trưởng. Chúng tôi vô cùng sốt ruột với cổ phần hóa!".

Giai đoạn 2016-2020, khi Agribank có quyết định chủ trương cổ phần hóa của Chính phủ, thì Agribank đã quyết liệt, chủ động thực hiện các công việc chuẩn bị cho cổ phần hóa.

Tuy vậy, Agribank phải mất một khoảng thời gian để thực hiện Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP mới được Chính phủ ban hành về quản lý tài sản công. Đến hiện tại vẫn còn những vướng mắc lớn về xác định giá trị đất đai, giá trị doanh nghiệp cho nên Agribank chưa được Nhà nước ban hành quyết định cổ phần hóa.