Sóng gió lại ập tới “đại gia ô tô” VEAM: Thêm 2 cán bộ bị bắt
(Dân trí) - Hết bị Bộ Công Thương yêu cầu tạm ngưng quy trình bổ nhiệm Tổng giám đốc, mới đây, sóng gió lại ập tới đại gia ô tô VEAM khi có thêm 2 cán bộ bị khởi tố, bắt tạm giam vì cáo buộc tham ô tài sản.
Phiên giao dịch hôm qua (16/1), cổ phiếu VEA của VEAM Corp trên sàn UPCoM giảm thêm 0,67% sau khi đã giảm 0,45% ở phiên trước đó, thị giá hiện còn 44.400 đồng.
Tại VEAM đang có những biến động ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nhân sự. Đầu tiên là vào đầu tháng này, Bộ Công Thương đã yêu cầu tạm ngưng quy trình bổ nhiệm Tổng giám đốc VEAM để xác minh thông tin doanh nghiệp mà ứng viên ghế Tổng giám đốc điều hành bị lỗ trong 3 năm qua và nguy cơ mất cân đối tài chính.
Cụ thể, Công ty Cơ khí Hà Nội do ông Phan Phạm Hà điều hành bị cho là lỗ liên tục trong 3 năm qua và sẽ tiếp tục lỗ trong những năm tới, khiến Bộ Công Thương yêu cầu ngưng quy trình bổ nhiệm ông Hà làm Tổng giám đốc VEAM để xác minh.
Và mới đây, ngày 16/1, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Toàn (Phó giám đốc Nhà máy ôtô VEAM) và bà Trần Thị Thanh Tâm (cán bộ nhà máy này) về tội Tham ô tài sản.
Sau khi VKSND Tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh tố tụng, cơ quan chức năng đã khám xét nơi ở và nơi làm việc của 2 bị can, thu giữ nhiều tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án. Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, xác minh truy tìm tài sản thu lợi bất chính để xử lý theo quy định.
Trước đó, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế đã khởi tố hàng loạt cựu lãnh đạo của VEAM trong đó cựu Chủ tịch HĐQT Trần Ngọc Hà và cựu Tổng giám đốc Lâm Chí Quang về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Những thông tin có thể sẽ còn ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu VEA trên thị trường chứng khoán trong phiên hôm nay và các phiên tới.
Về thị trường chung, đà tăng của các chỉ số vẫn được duy trì trong phiên hôm qua dù phiên chiều, chỉ số hầu như chỉ đi ngang. VN-Index kết phiên tăng 6,75 điểm tương ứng 0,7% lên 974,31 điểm; HNX-Index tăng 1,13 điểm tương ứng 1,09% lên 104,32 điểm. Trên thị trường UPCoM, chỉ số gặp khó những vẫn đạt tăng 0,1 điểm tương ứng 0,18% lên 55,46 điểm.
Thanh khoản đạt 201,25 triệu cổ phiếu tương ứng 4.744,15 tỷ đồng trên HSX và đạt 23 triệu cổ phiếu tương ứng 276,4 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 6,98 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 83,65 tỷ đồng.
Tuy vậy, bức tranh chung của toàn thị trường vẫn cho thấy sự giằng co. Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về phía các mã giảm dù các chỉ số chính đều tăng, có 298 mã giảm giá, 45 mã giảm sàn so với 282 mã tăng và 33 mã tăng trần.
Điều này cho thấy, sự chi phối của những cổ phiếu lớn vẫn rất đáng kể. Cụ thể, BID tăng 3.000 đồng lên 54.000 đồng/cổ phiếu; CTG tăng 1.300 đồng lên 24.900 đồng/cổ phiếu đã lần lượt đóng góp tới 3,51 điểm và 1,41 điểm cho VN-Index.
Bên cạnh đó, chỉ số chính còn nhận đươc sự hỗ trợ của một loạt các cổ phiếu khác như HVN, TCB, MBB, NVL, HDB, VCB (phần lớn là cổ phiếu ngân hàng). Chiều ngược lại, GAS, VRE, VHM, SAB giảm là yếu tố bất lợi với thị trường.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán BSC, trước sự cải thiện tâm lí tại các thị trường chứng khoán thế giới sau khi Mỹ và Trung Quốc chính thức ký thỏa thuận giai đoạn 1, thanh khoản tăng tốt cùng với động thái mua ròng trở lại của khối ngoại cũng phần nào cho thấy hiệu ứng trên cũng lan tỏa đến thị trường Việt Nam trong phiên hôm qua.
Với phiên tăng điểm này, chỉ số đã thành công chinh phục ngưỡng 970 điểm và theo BSC, nhiều khả năng sẽ hướng đến thử thách ngưỡng mục tiêu 983 điểm.
Còn Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường có thể vẫn có thể gặp áp lực điều chỉnh trong đầu phiên giao dịch tới khi VN-Index đang gặp cản tại đường trung bình 50 ngày, nhưng đà tăng có thể duy trì trong phiên kế tiếp.
Đồng thời, độ rộng thị trường tiếp tục cải thiện và dòng tiền lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn đã bền vững hơn và khả năng vượt đường trung bình 50 ngày của chỉ số VN-Index được đánh giá cao.
Mai Chi