Đại diện Bộ Tài chính lý giải sai phạm nghìn tỷ đồng tại VEAM

(Dân trí) - Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, trong trường hợp những doanh nghiệp sau cổ phần hoá như VEAM, cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa có đủ nguồn lực, chưa có đủ bộ máy để kiểm tra giám sát thường xuyên, không phát hiện sớm sai phạm của người đại diện vốn.

Đại diện Bộ Tài chính lý giải sai phạm nghìn tỷ đồng tại VEAM - 1

Những sai phạm tại VEAM gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.

Tại tọa đàm "Cổ phần hóa: Đúng pháp luật nhưng phải nhanh" diễn ra ngày 22/8, trả lời về những sai phạm tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), ông Đặng Quyết Tiến Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, khi doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần, không còn là doanh nghiệp nhà nước thì cách thức quản lý của doanh nghiệp phải thay đổi cho phù hợp với cơ chế.

Bên cạnh đó, theo ông Tiến, rõ ràng cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa có đủ nguồn lực, chưa có đủ bộ máy để kiểm tra giám sát thường xuyên, không phát hiện sớm sai phạm của người đại diện vốn.

Chưa kể còn có tình trạng, thông tin mà người đại diện vốn nhà nước ở doanh nghiệp báo cáo chưa đúng với quy định của pháp luật, báo cáo không đúng, đưa ra những thông tin không chính xác.

Chính vì thế, ông Tiến cho rằng, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa nên được bàn giao cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) hoặc Ủy ban quản lý vốn Nhà Nước tại doanh nghiệp.

"Đây là những cơ quan chuyên trách về quản lý, chiến lược. Họ có đầy đủ lực lượng, nguồn lực và cả cơ chế, chế tài để giám sát doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Thay vì phát hiện ra sai phạm sau một thời gian, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn sai phạm đó xảy ra nếu có một bộ máy quản lý tốt hơn, chuyên nghiệp hơn và chịu trách nhiệm cao hơn", ông nói.

Theo ông Tiến, tại các doanh nghiệp có sở hữu nhà nước, cơ quan nhà nước đang làm 2 vai. Trong trường hợp không quản lý giám sát thường xuyên sẽ không đảm bảo được phòng ngừa rủi ro hoặc ngăn chặn sai phạm.

"Các bộ ngành nên rút kinh nghiệm và sớm bàn giao doanh nghiệp cho các cơ quan chuyên trách. Nếu xảy ra sai phạm thì các cơ quan chuyên trách này sẽ phải chịu trách nhiệm", ông Tiến nhấn mạnh.

Liên quan tới cổ phần hoá, báo cáo tại toạ đàm, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, việc cổ phần hóa và thoái vốn là một trong những biện pháp thực hiện, đổi mới quản trị, công nghệ và kêu gọi đầu tư, nhằm sắp xếp doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Còn theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, chất lượng cổ phần hóa đã nâng cao nhiều so với trước đây.

"Trước 2016 nhiều trường hợp đánh giá không đúng giá trị tài sản doanh nghiệp, gây thất thoát tài sản nhà nước, sau đó Chính phủ đã ban hành các Nghị định 126, 32 sửa đổi căn bản, thể chế hóa nhiều chủ trương tránh gây thất thoát tài sản nhà nước", ông Trung đánh giá.

Theo ông Trung, từ 2016 đến nay cổ phần hóa hơn 160 doanh nghiệp, có khá nhiều doanh nghiệp có quy mô rất lớn như Genco 3, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Becamex Bình Dương... có doanh nghiệp quy mô hơn 10.000 tỷ đồng, chưa kể lợi ích thu được từ thoái vốn nhà nước, tiền thu được, nộp ngân sách đạt 60% nghị quyết Quốc hội cho cả giai đoạn.

Phương Dung