1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

"Soi" thực lực ô tô Indonesia, Malaysia trước khi "đụng độ" xe Việt

(Dân trí) - Bộ Công Thương và một vài doanh nghiệp lớn ngành ô tô vừa tỏ rõ sự quyết tâm sẽ xuất khẩu xe vào ASEAN nếu được ưu đãi của Chính phủ. Tuy nhiên, mục tiêu xuất khẩu "ngược" lại ASEAN của xe hơi "Made in Vietnam" quả thực không dễ, hiện ngoài Thái Lan ra, 2 ngành công nghiệp ô tô của Indonesia và Malaysia cũng không phải là đối thủ "dễ nhằn".

Ngoài ô tô Thái, xe Việt cần vượt người Mã, người Indonesia

Bộ Công Thương trong báo cáo mới đây đã đưa ra chiến lược phát triển cho ngành ô tô Việt Nam dựa vào kế hoạch kêu gọi vốn và sản xuất các loại xe mà các nước ASEAN chưa sản xuất để xuất khẩu vào thị trường này. Bên cạnh đó, một số hãng xe tại Việt Nam thể hiện rõ ý định tăng cường đầu tư, lắp ráp xe trong nước để xuất khẩu sang các nước ASEAN.

Tuy nhiên, ngoài ngành công nghiệp xe hơi số 1 ASEAN là Thái Lan, tham vọng xuất xe hơi Việt còn phải cạnh tranh "sống còn" với xe lắp ráp, sản xuất tại Indonesia và Malaysia.

"Soi" thực lực ô tô Indonesia, Malaysia trước khi "đụng độ" xe Việt - 1

Về quy mô và chi phí sản xuất xe, trong một bản báo cáo mới đây của nhóm công tác về ô tô thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, năm 2018 trở đi khi Việt Nam cắt bỏ hoàn toàn thuế nhập xe hơi nguyên chiếc từ ASEAN, chi phí sản xuất sản xuất xe ô tô có thể tăng lên từ 10 - 20%. Điều này cảnh báo khó khăn cho xe Việt Nam khi vươn ra ASEAN, nơi chỉ được coi là vùng trũng phát triển xe hơi thế giới bởi năm 2016 lượng sản xuất xe chỉ đạt 3% của thế giới.

Về chi phí sản xuất xe hơi tại Việt Nam, hiện nay DN ô tô Việt gặp bất lợi khi phải nhập 3/4 máy móc, thiết bị khiến giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó, ở thị trường sân nhà, giá ô tô trong nước cao hơn hoặc ngang bằng với xe nhập từ Thái, Malaysia và Indonesia (trong điều kiện thuế xe nhập khẩu hiện là 30%).

Về chính sách bảo hộ, Việt Nam đã có hơn 25 năm phát triển ngành ô tô với chính sách ưu tiên, các loại thuế đánh vào sử dụng xe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay ngành ô tô Việt Nam còn non yếu, phải nhờ và bảo hộ. Tỷ lệ nội địa hóa nhiều dòng xe chưa đạt yêu cầu, trong đó đặc biệt là xe con dưới 9 chỗ ngồi.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, chính sách phát triển và bảo hộ ngành ô tô của Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 thời gian của các nước như Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Các nước trên, đã có chiến lược và ưu đãi từ hơn 50 năm trước kia với việc bắt tay vào xây dựng ngành ô tô từ những năm 1970 - 1980.

Liên minh xe Indonesia và Malaysia đang lớn mạnh

Hiện, tiêu thụ ô tô toàn thị trường ASEAN trong 3 năm qua đạt trên 3 triệu chiếc/năm. Indonesia và Thái Lan là hai thị trường sản xuất ra và tiêu thụ xe lớn nhất khu vực.

Theo tổ chức Tổ chức quốc tế các nhà sản xuất ô tô thế giới (OICA), Thái Lan, Indonesia và Malaysia là 3 đại diện của ASEAN lọt vào trong 1 trong 40 nước sản xuất, lắp ráp xe hơi lớn nhất thế giới. Riêng năm 2016 Indonesia đã sản xuất hơn 1 triệu xe/năm; Thái Lan là hơn 1,9 triệu chiếc, Malaysia là hơn 580.000 chiếc và Việt Nam là 270.000 chiếc (đứng thứ 5 ASEAN).

Về xuất khẩu, hiện Thái Lan là nhà xuất khẩu lớn nhất ASEAN, 9 tháng đầu năm 2016, Thái Lan đã xuất được hơn 900.700 chiếc xe, Indonesia cũng xuất khẩu được hơn 194.400 chiếc cả năm.

Trong khi đó, tại thị trường Indonesia, các hãng xe hơi ngày càng có lợi thế về chi phí và quy mô. Nhiều hãng liên doanh của Nhật tại Trung Quốc hay Việt Nam như Toyota, Izzu rời bỏ nhà máy, dây chuyền sản xuất hoặc lắp ráp chủng loại xe tại các nước sở tại để chuyển sang đầu tư và nhập xe từ Indonesia.

Bằng chứng năm 2012, Toyota đã lên kế hoạch đổ 2,7 tỷ USD để xây dựng Indonesia thành trung tâm lắp ráp xe của ASEAN. Năm 2016, tập đoàn này đã hiện thực hóa quyết trên bằng việc tăng tổng vốn đầu tư lên 1,6 tỷ USD vào Indonesia.

Theo báo chí Indonesia, các liên doanh nhà sản xuất ô tô Toyota tại Indonesia và công ty Astra Motor Manufacturing Indonesia thời gian qua đã lập nhiều liên kết sản xuất, có sự tham gia các công ty ô tô ở Philippines, Malaysia và Singapore để điều phối hoạt động thương mại ô tô tại 4 nước này.

Cụ thể, liên minh BBC được lập năm 1989 - liên kết thương hiệu giữa Toyota ở 4 nước Indonesia, Philippines, Malaysia và Singapore nhất trí cung ứng phụ tùng, thiết bị với mức thuế giảm 50% so với mức thuế thông thường để hỗ trợ sản xuất tại mỗi nước. Động thái này của các nước bán đảo Mã Lai đã và đang cạnh tranh ngày càng quyết liệt với giá và chi phí sản xuất xe tại Thái Lan. Hơn nữa, nhờ có sự liên kết BBC mà các xe sản xuất từ Indonesia, Malaysia đã và đang rẻ hơn, dễ dàng xâm nhập các nước Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar.

Với Malaysia, dù chưa xuất hiện nhiều mẫu xe ở Việt Nam, song các nhà sản xuất, liên doanh lắp ráp xe của xe nước này đang bắt tay chi phối thị trường xe của Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei… Tại Malaysia, mặc dù có sự hiện diện của đầy đủ các thương hiệu xe Nhật, Đức và Mỹ lắp ráp nhưng hai thương hiệu xe nội địa là Proton và Perodua có lịch sử phát triển hàng chục năm lại là những tên tuổi đang thống trị thị trường ô tô giá rẻ của nước này, doanh số bán xe của hai hãng này đang chiếm hơn 57% thị trường.

Nguyễn Tuyền