Số phận mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á vẫn chờ Thủ tướng phán quyết

(Dân trí) - Thừa nhận phát triển "có cái được và chưa được như mong muốn" nhưng đại diện Bộ Công Thương vẫn bảo lưu quan điểm muốn triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê gây tranh cãi trong thời gian qua.


Việc tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều do lo ngại về ô nhiễm môi trường cũng như hiệu quả đầu tư.

Việc tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều do lo ngại về ô nhiễm môi trường cũng như hiệu quả đầu tư.

Liên quan tới dự án mỏ sắt Thạch Khê, mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đây là một mỏ sắt có trữ lượng lớn, có thể lớn nhất Đông Nam Á. Dự án này đã có quá trình triển khai và những vấn đề hiện nay dư luận hết sức quan tâm là vấn đề môi trường, hiệu quả.

Về tính khả thi của dự án, theo Thứ trưởng, tất cả các cơ quan chức năng như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, rất nhiều bộ, ngành, thậm chí các nhà tư vấn, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã nghiên cứu trong thời gian rất dài và đã có kết luận về vấn đề này.

Liên quan đến quan điểm của Bộ Công Thương, ông Hải cho biết, Bộ Công Thương đã gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng sau đó đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có quan điểm của mình. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu các bộ, ngành có liên quan, trong đó có Bộ Công Thương và một số bộ, ngành khác, cũng như một số cơ quan, kể cả nghiên cứu về khoa học, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để có kết luận, có ý kiến chính thức của mình về vấn đề này.

"Chúng tôi cũng đã có ý kiến của mình nhưng chắc chắn phải trình Thủ tướng Chính phủ nên sau này sẽ trao đổi sau. Quan điểm của chúng tôi là chúng ta không làm kinh tế, không phát triển kinh tế bằng mọi giá nhưng ngược lại, chúng ta không thể vì một lý do nào đó mà có thể chưa phải mang lại toàn những cái lợi cho 1 dự án nào đó mà không tiếp tục triển khai các dự án", ông Hải nói.

Đặc biệt, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh: "Rõ ràng sự phát triển đều có cái được và cái chưa được như mong muốn, nhưng quan trọng nhất là các cơ quan chức năng phải có biện pháp, phải có nghiên cứu hết sức trách nhiệm và đúng chuyên môn của mình để có thể khẳng định, loại trừ được những điểm mà chúng ta không mong muốn đó".

Đồng thời, khẳng định trong suốt thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cũng chỉ là một cơ quan và rất nhiều bộ, ngành liên quan, ví dụ như Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã làm việc "hết sức trách nhiệm và có những ý kiến, quan điểm của mình".

"Chúng tôi rất mong trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có quyết định chính thức về vấn đề này để có thể giúp cho sự phát triển kinh tế không chỉ một tỉnh nào đó như Hà Tĩnh mà còn toàn bộ miền Trung và lớn hơn nữa là sự phát triển của đất nước. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta đã có bài học Formosa, cũng ở Hà Tĩnh, một bài học lớn cho cả đất nước chúng ta. Chúng tôi rất hy vọng chúng ta sẽ phát triển và ngăn chặn được những điều không mong muốn", ông nói.

Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng trước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông thể hiện quan điểm trái ngược cho biết: "Có thể khẳng định rằng chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị dừng dự án mỏ sắt thạch khê vì 4 quan ngại".

Theo Thứ trưởng, 4 lý do khiến Bộ đề xuất dừng dự án này bao gồm: năng lực của nhà đầu tư, tác động môi trường, thị trường tiêu thụ quặng sắt và vấn đề giao thông vận tải.

"Đây là một kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựa trên cân nhắc, tính toán. Trực tiếp Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đi thị sát và thấy quan ngại chứ không phải chỉ nghe báo cáo, đề xuất lên", Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Về nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho ý kiến: "Về mỏ Thạch Khê quyết định dừng hay không vẫn chưa có cơ sở, trong lần làm việc với Hà Tĩnh, Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá trên cơ sở khoa học và có cơ quan đánh giá độc lập để đánh giá kỹ việc này. Sau khi có đánh giá Thủ tướng sẽ báo cáo Bộ Chính trị để quyết định".

Phương Dung