Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc "hồi sinh" mỏ sắt Thạch Khê

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng các Bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu và báo cáo đề xuất Chính phủ liên quan tới việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Trong khi tỉnh Hà Tĩnh không muốn thực hiện tiếp dự án mỏ sắt Thạch Khê thì Bộ Công Thương cho rằng chưa đủ cơ sở để đề xuất dừng.
Trong khi tỉnh Hà Tĩnh không muốn thực hiện tiếp dự án mỏ sắt Thạch Khê thì Bộ Công Thương cho rằng chưa đủ cơ sở để đề xuất dừng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về phản ánh liên quan đến việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Trước đó, truyền thông đề cập đến việc không nên vì sợ mất vốn Nhà nước đã đầu tư mà tiếp tục khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Khi dừng dự án, nếu xảy ra việc mất vốn Nhà nước đã đầu tư, cơ quan chức năng phải truy cứu trách nhiệm những người đã phê duyệt.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng các Bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu và báo cáo đề xuất Chính phủ.

Như Dân trí đưa tin, mới đây, ngay sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị dừng triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê, Bộ Công Thương phản hồi cho rằng, việc đề xuất dừng dự án là chưa đủ cơ sở về khoa học và thực tiễn, cần được xem xét thận trọng một cách toàn diện.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng lực tài chính của Công ty CP Sắt Thạch Khê không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư Tổ hợp dự án theo tiến độ, cho dù tổng mức đầu tư của dự án 3 năm có tới 2 lần điều chỉnh giảm. Dự án điều chỉnh phê duyệt năm 2014 chưa tính đủ chi phí vào tổng mức đầu tư và chưa dự báo giá quặng sắt trong dài hạn nên không đủ cơ sở tính toán hiệu quả dự án.

Hơn nữa, còn một số quan ngại về vấn đề môi trường của dự án như cạn kiệt nguồn nước ngầm; xâm nhập mặn; sa mạc hóa; sạt lở bờ moong tầng khai thác, bãi thải; ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong vùng;...

Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại cho rằng, cần phải tính đến những hậu quả hệ lụy liên quan đến những thiệt hại hàng ngàn tỷ mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp theo chủ trương kiến tạo của Chính phủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh, cũng như của Việt Nam.

Bên cạnh đó, phải tính đến hiệu quả kinh tế của dự án, phát triển công nghiệp và kinh tế Việt Nam, đóng góp vào GDP, giảm nhập siêu, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, cũng như các vấn đề liên quan như an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội và nhiều hệ lụy khác.

Trao đổi về vấn đề này, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, nếu chưa lường hết tác hại cứ khai thác không biết hậu quả sẽ ra sao. Còn trong trường hợp, doanh nghiệp vẫn muốn làm nhưng vì nhu cầu của đất nước mà không làm, Chính phủ nên có chính sách trợ cấp đền bù thoả đáng.

"Tôi thiên về tốt nhất bây giờ nếu thực sự rất lo ngại, chưa tính đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí nếu làm đầy đủ đánh giá tác động môi trường cũng chưa ai đảm bảo đánh giá ấy là đầy đủ khi triển thì Hà Tĩnh nên đi theo con đường khác, tận dụng tài nguyên to lớn nhất là con người, nhân lực đáp ứng nông nghiệp công nghệ cao, tổ chức lại du lịch sẽ có lợi hơn", ông nói thêm.

Phương Dung