Sở Kiến trúc nói về quy định nhà cao tầng phải có 3 tầng hầm
Trước nhiều ý kiến cho rằng quy định công trình cao tầng bắt buộc phải có tối thiểu 3 tầng hầm là vội vàng và trái luật, lãnh đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc (QH-KT Hà Nội) đã lên tiếng.
Theo lãnh đạo Sở QH-KT, với mức độ đô thị hóa, gia tăng dân số, phương tiện giao thông tại Hà Nội, nhất là ở khu vực nội thành lớn như hiện nay, nếu không sớm thực hiện chủ trương này thì nguy cơ ùn tắc là không thể tránh khỏi, thậm chí đường phố không còn lối để đi. Nền kinh tế càng phát triển, nhu cầu về chỗ để xe càng tăng mạnh.
Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước không thể đủ vốn đầu tư để trang trải, nên chủ trương của thành phố là tất cả các nhà đầu tư cùng tham gia vào việc này. Nhưng không phải nhà đầu tư bị thiệt, thành phố sẽ có chủ trương cho phép nhà đầu tư khai thác các tầng hầm này, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư.
Cũng theo lãnh đạo Sở này sau khi Thành ủy ra thông báo, Sở có chỉ đạo nội bộ yêu cầu hướng dẫn, thông báo các chủ đầu tư về việc phải có tối thiểu 3 tầng hầm để xe và xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại.
"Các hồ sơ vẫn tiếp tục được nhà đầu tư nộp vào và Sở phải thụ lý theo quy định, không thể dừng được. Nếu không có hướng dẫn thì không được, vì thế Sở mới ban hành một thông báo mang tính chất nội bộ, hướng dẫn các bộ phận xử lý hồ sơ.
Sau đó, chúng tôi cũng đã báo cáo UBND TP, đề nghị thành phố sớm ban hành quy định cụ thể về việc này. UBND TP sau đó, cũng đã có văn bản chỉ đạo giao Sở QH-KT chủ trì họp liên ngành để bàn phương án cụ thể hóa chỉ đạo của Thành ủy. Các sở sẽ họp liên ngành và Sở QH-KT sẽ tổng hợp ý kiến để sớm đề xuất thành phố. Khi nào UBND TP ban hành quy định thì mới chính thức có hiệu lực để thực hiện. Đây là việc phức tạp, liên quan đến nhiều đầu mối nên phải có thời gian. Nhưng hồ sơ hành chính thì Sở vẫn phải nhận vào và xử lý theo quy định.
Việc quy định tầng hầm trong thiết kế xây dựng các công trình được nhiều người ủng hộ nhưng cần triển khai thận trọng, hợp thực tế hơn.
Nhiệm vụ của các sở ngành là phải họp bàn để tham mưu cho thành phố xem “công trình” nào sẽ áp dụng quy định này. Đối tượng nào sẽ làm tối thiểu 3 tầng hầm, đối tượng nào không… Tóm lại là phân loại công trình, nội thành, ngoại thành thế nào, rất nhiều yếu tố. Hướng dẫn cụ thể thế nào còn đang bàn, chứ không có chuyện bắt buộc tất cả các công trình đều phải có tối thiểu 3 tầng hầm", lãnh đạo Sở cho biết.
Trả lời câu hỏi liệu quy định trên đó có vội vàng và mâu thuẫn với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành hay không, lãnh đạo Sở QH-KT Hà Nội cho biết: Sở chỉ thực hiện đúng trách nhiệm của mình chứ không vội vàng.
Lãnh đạo Sở cũng cho rằng chủ trương này sẽ không xung đột hay trái quy định hiện hành bởi theo quy chuẩn đối với nhà cao tầng hiện nay như: Đối với nhà ở thương mại, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 20m2 chỗ để xe (kể cả đường nội bộ trong nhà xe); đối với nhà ở xã hội cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 12m2 chỗ để xe (kể cả đường nội bộ trong nhà xe)..., là tiêu chuẩn tối thiểu. Còn nhu cầu tăng cao do sự phát triển của thực tế thì việc tăng diện tích tầng hầm là đúng. Điều này cần giải quyết khi Hà Nội đang thiếu chỗ cho giao thông tĩnh phải đỗ xe trên vỉa hè.
“Với những chủ trương mới, chúng tôi nghĩ sự phản biện của dư luận xã hội là đương nhiên. Chúng tôi lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản biện một cách cầu thị. Thực tế, từ khi Sở ra thông báo, chúng tôi cũng chưa nhận được phản ánh của doanh nghiệp nào về chủ trương này”, lãnh đạo Sở QH-KT nhấn mạnh.
Theo Tú Anh
Tiền Phong