Số doanh nghiệp Việt sang Trung Quốc đạt kỷ lục tại CAEXPO 2016

(Dân trí) - Đây là chia sẻ được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đưa ra tại cuộc trao đổi với báo chí bên lề Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) lần thứ 13 đang diễn ra tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, tại CAEXPO năm nay, ngoài 250 doanh nghiệp tham gia gian hàng còn có 50-60 doanh nghiệp đi theo đoàn của Thủ tướng để học tập kinh nghiệm. Đây là con số kỷ lục so với các nước và các kỳ trước.

Quy mô tham gia của đoàn doanh nghiệp Việt Nam tại sự kiện năm nay cho thấy doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chủ động trong việc tìm kiếm thị trường tiềm năng và sự bền bỉ, nhất quán phát triển thị trường Trung Quốc của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Các hoạt động thương mại không chỉ dừng ở một số mặt hàng có thương hiệu quen thuộc mà còn tiếp tục triển khai phát triển ở những mặt hàng mới, đặc biệt là bước tiến mạnh mẽ của các mặt hàng nông sản chế biến, thực phẩm, các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương thăm gian triển lãm cà phê của Việt Nam tại CAEXPO 13 (ảnh: BD)
Bộ trưởng Bộ Công Thương thăm gian triển lãm cà phê của Việt Nam tại CAEXPO 13 (ảnh: BD)

Thưa Bộ trưởng, năm nay, Việt Nam tham gia CAEXPO với tư cách quốc gia danh dự, ông đánh giá như thế nào về cơ hội phát triển kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam thông qua sự kiện này?

- Năm nay, chúng ta kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc. Sự kiện có ý nghĩa chung với các nước ASEAN và Trung Quốc đặc biệt khi chúng ta đã có những kỳ hội nghị cấp cao đa phương và song phương giữa ASEAN và Trung Quốc rất thành công, hướng tới những khung khổ hợp tác chiến lược dài hạn, bền vững giữa ASEAN và Trung Quốc.

Các hội nghị này cũng cho thấy tiềm năng và cơ hội hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa ASEAN và Trung Quốc là rất to lớn.

Thời gian qua, kể từ CAEXPO lần thứ nhất đến nay, đoàn Việt Nam tham dự có sự phát triển vượt bậc về cả quy mô, phạm vi. Việt Nam luôn là quốc gia rất tích cực tham gia, đóng góp và khai thác cơ hội hiệu quả.

Các hoạt động thương mại không chỉ dừng ở một số mặt hàng có thương hiệu quen thuộc mà còn tiếp tục triển khai phát triển ở những mặt hàng mới, đặc biệt là bước tiến mạnh mẽ của các mặt hàng nông sản chế biến, thực phẩm, các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng.

Đặc biệt, kể từ khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành lập, Việt Nam là quốc gia tích cực và có lợi thế địa chính trị để tạo thành cầu nối giữa các nước ASEAN với Trung Quốc.

Tôi cho rằng, các hội chợ và các sự kiện thúc đẩy thương mại như thế này mang lại cơ hội to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kết nối trực tiếp với các đối tác của ASEAN và Trung Quốc. Các lĩnh vực lớn của hội chợ cho thấy phạm vi và nội dung hợp tác rộng và sâu, không chỉ hướng tới hợp tác thương mại mà còn đầu tư, du lịch, công nghệ và các lĩnh vực khác để thúc đẩy phát triển quan hệ song phương và đa phương giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Rất mừng là, quá trình phát triển của hội chợ vừa tạo điều kiện để hoàn thiện về cơ chế hợp tác, đồng thời, tạo động lực mới cho thúc đẩy thương mại ASEAN và Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hoá đang diễn ra rất mạnh mẽ với các sắc độ khác nhau.

Chúng ta vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác to lớn, do đó sự nỗ lực của hai bên là rất cần thiết, đặc biệt là vai trò của các Chính phủ trong việc hỗ trợ đáp ứng thực tiễn nhu cầu của doanh nghiệp và nhân dân các nước.

Ông thấy đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ lần này thế nào?

- Việt Nam luôn là quốc gia tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc. Cả 12 kỳ CAEXPO đã qua đều cho thấy sự tham gia tăng về quy mô qua từng năm của cộng đồng doanh nghiệp và các lĩnh vực kinh tế.

Đặc biệt, năm nay đã có sự phát triển mạnh mẽ hơn, ngoài 250 doanh nghiệp tham gia gian hàng còn có 50-60 doanh nghiệp đi theo đoàn của Thủ tướng để học tập kinh nghiệm. Đây là con số kỷ lục so với các nước và các kỳ trước.

Sự phát triển này không chỉ thể hiện ở chiều rộng mà còn cho thấy sự chủ động của doanh nghiệp Việt Nam trước cơ hội thị trường rất lớn và tiềm năng.

Khuôn khổ hợp tác cũng cho thấy sự bền bỉ nhất quán của doanh nghiệp với thị trường Trung Quốc.

Ngoài các doanh nghiệp mới đến hội chợ với kỳ vọng tìm kiếm thị trường còn có các doanh nghiệp đã tham gia nhiều năm và tiếp tục khẳng định thương hiệu trên thị trường này.

Vì sao chúng ta lại chọn Buôn Mê Thuột để xây dựng gian hàng “thành phố đẹp” và mặt hàng cà phê để giới thiệu tại gian hàng này, thưa ông?

- Là quốc gia chủ đề và quốc gia danh dự của CAEXPO lần này, Việt Nam có nhiều chủ đề và nội dung có thể giới thiệu trong hội chợ lần này với các đối tác. Nhưng qua cân nhắc, chúng tôi thấy cần phản ánh tiềm năng kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên sức mạnh, đặc thù văn hoá, năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Do đó, mặt hàng cà phê và thành phố Buôn Mê Thuột được lựa chọn. Cà phê là đồ uống không còn xa lạ với người dân Việt Nam và các nước trên thế giới, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ ba thế giới. Chính vì vậy, trong hội chợ lần này, gian hàng “thành phố đẹp” của Việt Nam nhận được sự đánh giá cao của các đối tác tham gia.

Cộng đồng doanh nghiệp rất hào hứng khi nhìn thấy hình ảnh của nền kinh tế Việt Nam tại sự kiện này. Ở chừng mực nào đó, chúng tôi cho rằng, đây là biểu tượng vẻ đẹp của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Bích Diệp