“Siêu ủy ban” quản lý vốn làm được gì sau 6 tháng hoạt động?
(Dân trí) - Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ra đời là một trong những sự kiện kinh tế nổi bật của Việt Nam năm 2018. Sau 6 tháng hoạt động, “siêu ủy ban” này đã tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty từ các bộ ngành; cơ bản hình thành được hệ thống cơ quan tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị...
Chiều nay (26/3), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN). Đây là buổi làm việc đầu tiên của Chính phủ kể từ khi UBQLVNN được thành lập vào tháng 2/2018 và chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 9/2018.
Sứ mệnh lịch sử của “siêu ủy ban”
Theo quy định tại Nghị định số 131 ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBQLVNN tại doanh nghiệp (DN), có 7 tập đoàn và 12 tổng công ty được Chính phủ giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, quản lý tổng số tài sản khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và 820.000 tỷ đồng vốn Nhà nước.
Trong buổi làm việc với UBQLVNN tại doanh nghiệp chiều 26/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Sự ra đời và đi vào hoạt động của UBQLVNN tại doanh nghiệp là một trong những sự kiện kinh tế nổi bật của Việt Nam năm 2018 và của cả nhiệm kỳ này, nhằm thực hiện chủ trương đã có từ lâu và được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng 12 và Nghị quyết 12 của Hội nghị Trung ương 5, với mục tiêu tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và chức năng chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DN.”.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết, quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của UBQLVNN tại DN rất công phu và kỹ lưỡng về nhiều mặt, bản thân Chính phủ cũng phải tham mưu ý kiến của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), các tổ chức có kinh nghiệm trong cổ phần hóa và thoái vốn... Trước đây, Ban Kinh tế Trung ương cũng nghiên cứu, khảo sát ở trong nước và quốc tế về các đề án, mô hình.
UBQLVNN tại DN được thành lập khi đã mọi thứ đã rất chín muồi và có thuận rất căn bản. Sự hoạt động của Ủy ban không làm giảm mà còn tạo điều kiện cho các bộ, ngành làm tốt hơn nữa vai trò của quản lý Nhà nước của mình đối với các DN.
Mặc dù vậy, UBQLVNN tại DN ra đời cũng có những khó khăn rất lớn, đó là: Mô hình tập đoàn đa lĩnh vực bộc lộ nhiều khó khăn, nhiều dự án DNNN kinh doanh yếu kém thua lỗ mà không phải ngày một ngày hai giải quyết được... Những thách thức này không phải UBQLVNN tại DN ra đời mới có mà nó đã tồn tại từ trước, nay Ủy ban tiếp nhận và làm đầu mối chủ trì để giải quyết.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thách thức nhất đối với UBQLVNN tại DN nói riêng và Chính phủ nói chung là sự kỳ vọng rất lớn của người dân. “Kỳ vọng nhiều thì cũng đòi hỏi nhiều, đòi hỏi phải có sự chuyển biến, thanh tra và giám sát như thế nào, phản biện xã hội càng nhiều hơn... Đây là sứ mệnh lịch sử của các đồng chí.” - Phó Thủ tướng nói.
6 tháng nhưng làm được “quá nhiều”
Đề cập tới những kết quả UBQLVNN tại DN đạt được sau 6 tháng hoạt động, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá là “quá nhiều”. Phó Thủ tướng cho hay, quá trình hoàn thiện Nghị định số 131có đóng góp lớn của Ủy ban; trong 6 tháng Ủy ban này cơ bản hình thành được hệ thống cơ quan tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị như Đảng bộ, Đoàn thanh niên, ban hành được quyết định chức năng nhiệm vụ và thành lập được 8 Vụ chuyên môn và 1 trung tâm.
Đến nay, Ủy ban đã ban hành được 44 quy chế; tuyển dụng được cán bộ ban đầu theo chỉ tiêu 50 biên chế được giao; cơ bản chấp hành đúng chỉ đạo của Thủ tướng và Tổ công tác để rà soát lấy cán bộ công chức từ các Bộ, ngành chuyên ngành; có trụ sở riêng, tài chính không có vướng mắc và là đơn vị dự toán cấp 1 - trực tiếp nhận dự toán ngân sách hàng năm do Thủ tướng Chính phủ thực hiện phân bổ.
UBQLVNN tại DN cũng phối hợp với Bộ Tài chính ban hành được Quyết định 1515 về trình tự, thủ tục, hồ sơ chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp về UBQLVNN tại DN. Đến nay, 19 tập đoàn, Tổng công ty đã được bàn giao thành công. Sau tiếp nhận, Ủy ban đảm bảo cho sự hoạt động của 19 tập đoàn, Tổng công ty không bị xáo trộn, cơ bản ổn định và tập hợp được những vướng mắc, khó khăn trong quá trình chuyển giao này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “UBQLVNN tại DN không phải là tổ chức kinh doanh vốn nhà nước mà là đại diện chủ sở hữu vốn của nhà nước tại DN. Các Tập đoàn, Tổng công ty có quyền của họ. Luật đã quy định DN được làm gì, Chủ tịch làm gì, Tổng giám đốc làm gì... Ủy ban không được can thiệp”.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu UBQLVNN tại DN cần tập trung làm những gì trước mắt, làm đúng phận sự là đại diện chủ sở hữu đó là: Tái cơ cấu, xử lý các dự án yếu kém thua lỗ, vướng mắc. Tập trung tái cơ cấu toàn diện về chiến lược, tài chính, quản trị, đầu tư. Củng cố bộ máy tổ chức, rà soát những công việc đã làm, thậm chí rà soát lại cán bộ đã tuyển dụng xem có làm được việc hay không, triệt để sử dụng người của các bộ ngành chuyển sang để làm việc chuyên môn cho hiệu quả...
“Thuộc bài đã rồi làm việc cho tròn vai, làm những việc trước mắt, phân loại các đầu việc để tiến tới làm bài bản...” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc lại nhiều lần đối với Ban lãnh đạo UBQLVNN tại DN.
Châu Như Quỳnh