“Siêu Ủy ban” quản lý 5 triệu tỷ đồng vốn DNNN: Sẽ chấm dứt "vừa đá bóng, vừa thổi còi"
(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, việc thành lập Siêu Ủy ban quản lý khối lượng rất lớn tài sản của Nhà nước sẽ khắc phục tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Chia sẻ tại tại buổi Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị” vừa diễn ra, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc thành lập "Siêu Ủy ban" quản lý vốn nhà nước là cần thiết.
"Ủy ban nên tập trung quản lý về vốn chứ không có trách nhiệm, chức năng quản lý nhà nước, do đó sẽ chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như trước đây ở các Bộ", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, vấn đề hiện nay là chờ đợi việc vận hành Ủy ban trong thời gian tới ra sao. Về quyền Ủy ban đã có và quan trọng khâu thực hiện cần làm tốt, rõ ràng, minh bạch từ đó gây được uy tín.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, khi Ủy ban ở tầm trực thuộc Chính phủ sẽ hơi “lép vế” dù trên thực tế là Siêu Ủy ban quản lý hơn 5 triệu tỷ đồng vốn của DNNN. Do đó trong giai đoạn đầu, Chính phủ, đặc biệt là lãnh đạo chính phủ như Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cần trực tiếp chỉ đạo để Ủy ban thực hiện đúng quyền, chức năng nhiệm vụ được giao.
Đồng quan điểm, ông Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, việc thành lập Siêu Ủy ban quản lý khối lượng rất lớn tài sản của Nhà nước sẽ khắc phục tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
"Lâu nay chúng ta thường “kêu ca” các bộ ngành vừa ban hành chính sách đồng thời làm nhiệm vụ quản lý các doanh nghiệp. Mục đích quan trọng tiếp theo là làm thế nào sử dụng, quản lý nguồn vốn của Nhà nước một cách hiệu quả", ông Hồ cho biết.
Ông Hồ nhấn mạnh cần phải tăng tính chủ động của Ủy ban bởi nếu không tạo cơ chế để Ủy ban hoạt động chủ động, chịu trách nhiệm sẽ rất khó. Chủ động thể hiện ở việc ra quyết định phù hợp hay trong xử lý vấn đề nhanh gọn.
Về lo ngại Ủy ban khó quản nổi 19 tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn cùng lúc chuyển giao về, ông Lưu Bích Hồ cho rằng, cần làm mới biết có thành công chứ ngồi bàn sẽ khó.
"Ở một số nước như Trung Quốc, Singapore đã làm rất tốt. Ở Indonesia đã lập ra một Bộ thống nhất quản lý và thay 3 lần Bộ trưởng mới điều hành hiệu quả do đó không nên ngại, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, các bộ cần có tư duy đổi mới, khi đã giao cho Ủy ban thực hiện thì cần hỗ trợ Ủy ban hoạt động hiệu quả", ông nói thêm.
Đại diện cơ quan quản lý, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, các cơ chế chính sách của các Bộ ngành ban hành hiện nay đã đủ các khung khổ pháp lý cần thiết để Ủy ban có thể thực hiện. Hơn nữa, hiện nay Ủy ban với vai trò đại diện chủ sở hữu có thể yêu cầu doanh nghiệp thực hiện, doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ bị xử lý mà không phải đợi ý kiến các bộ ngành.
Ông Tiến khẳng định, về phía Bộ Tài chính luôn sẵn sàng đồng hành cùng Ủy ban trong xây dựng cơ chế tài chính. Vừa qua Bộ Tài chính đã giúp Ủy ban xây dựng Dự thảo Quyết định Ban hành quy chế chuyển giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Phương Dung