TP.HCM:
"Siêu dự án" công viên lớn nhất Việt Nam “đắp chiếu”... suốt 11 năm!
(Dân trí) - Được đầu tư với tổng số vốn hơn 500 triệu USD với kỳ vọng là công viên sinh thái tầm cỡ trong nhưng 11 năm qua, dự án Công viên Sài Gòn Safari tại huyện Củ Chi vẫn nằm “đắp chiếu”, trở hành bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm.
Dự án “đắp chiếu” suốt 11 năm
Năm 2004, dự án Công viên Sài Gòn Safari được quy hoạch với diện tích 485 ha nằm trên địa bàn hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi, TP HCM). Theo quy hoạch thì dự án trên được đánh giá là dự án công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á với đa chức năng như bảo tồn, trưng bày, nhân giống nhiều loại động thực vật quý hiếm.
Do dự án được quy hoạch trong cụm du lịch văn hóa lịch sử Củ Chi, cách trung tâm thành phố khoảng 50km nên được dư luận ủng hộ.
Ngoài chức năng bảo tồn động thực vật, dự án Sài Gòn Safari còn được người dân Củ Chi chờ đợi vì đây là mô hình giải trí, du lịch sinh thái mang lại lợi ích kinh tế cao. Dự kiến Sài Gòn Safari sẽ tổ chức nuôi dưỡng, trưng bày nhân giống các loài động thực vật trong nước và các châu lục khác trên thế giới. Theo kế hoạch, nơi đây sẽ nuôi dưỡng khoảng 300 loài động vật với khoảng 10.000 con, 3.000 loài thực vật.
Để khởi động dự án, tháng 6/2004, UBND TP HCM ra quyết định thu hồi đất đồng thời giao Chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn (chủ đầu tư) và UBND huyện Củ Chi tiến hành bồi thường và tái định cư cho hơn 700 hộ dân thuộc địa bàn 2 xã của huyện Củ Chi.
Năm 2007, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đạt 96%. Tuy vậy 4% mặt bằng không thể thu hồi do việc bồi thường, giải tỏa mặt bằng của người dân và chủ đầu tư không thể thỏa thuận. Từ đó đến nay, dù nhiều lần người dân gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu chủ đầu tư thỏa thuận việc giải tỏa mặt bằng nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Ngược lại, sự việc trên kéo dài còn phát sinh nhiều vấn đề như lấn chiếm đất khiến sự việc càng trở nên trầm trọng hơn. Việc không đạt được thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người dân khiến dự án “treo” suốt 11 năm qua khiến nhiều hộ dân tỏ ra bức xúc.
Người dân khốn đốn vì dự án “treo”
Ông Đoàn Văn Xuân (SN 1960, ngụ ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây) cho biết: “Khi dự án Sài Gòn Safari triển khai, chính quyền địa phương và chủ đầu tư không hề thông báo cho người dân và không hề thỏa hiệp thương lượng giá với người dân. Giá bồi thường cho người dân hoàn toàn do UBND huyện xây dựng đề án bồi thường và trình với UBND TP HCM phê duyệt. Người dân không hề được biết về giá cả đền bù cho diện tích đất, tài sản của mình.
Do vậy, năm 2005 khi chủ đầu tư bồi thường không thỏa đáng cho nhiều hộ dân nên nảy sinh mâu thuẫn cho đến thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư bồi thường không công bằng khi đất liền kề, giáp ranh nhưng lại có giá hoàn toàn khác nhau. Khi nhận được tiền đền bù thì nhiều gia đình mới tá hỏa khi giá cả liền kề của nhiều hộ chênh lệch khá cao nên dẫn đến tình trạng người dân bức xúc và đi khiếu nại khắp nơi.
Đến năm 2012, UBND TP HCM rà soát lại tất cả 705 hộ và phát hiện 81 hộ xảy ra tình trạng oan sai. Tuy vậy, giá đền bù tại thời điểm hiện tại vẫn giữ nguyên giá từ năm 2004 nên nhiều hộ không chấp nhận. Vì so với thời điểm hiện tại giá đất đã lên rất cao chứ không còn ở mức 75.000 đồng/m2, hay 150.000 đồng/m2 như trước. Số tiền đền bù nếu ở thời điểm năm 2004 thì người dân có thể đầu tư để mua đất ở một khu vực khác nhưng đến nay không thể đầu tư được vì tổng số tiền đền bù quá thấp.
“Chúng tôi đã nhiều năm đi khiếu nại từ địa phương đến Trung ương nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết. Trong suốt 10 năm qua, diện tích đất canh tác của nhiều hộ dân bị thu hồi nhưng không hề đền bù giải tỏa khiến cuộc sống bị đảo lộn”, ông Xuân tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Nể (sinh năm 1958, ngụ xã An Nhơn Tây) cho biết: “Tôi rấ bức xúc với chủ đầu tư dự án Sài Gòn Safari vì đền bù không thỏa đáng. Cùng một hộ liền kề với gia đình tôi là Phạm Văn Tăng, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Út... được đền bù 150.000 đồng/m2 nhưng gia đình tôi chỉ được đền bù 75.000 đồng/m2. Dự án đã thu đất của gia đình tôi hơn 10 năm qua nhưng khôn triển khai khiến gia đình tôi lâm vào cảnh khốn khó. Tiền bồi thường chưa được giải quyết, đất không được canh tác nên chúng tôi chỉ trông vào mấy đồng lương hưu nên không đủ sống. Trước đây chúng tôi trồng đậu phộng, nuôi bò cuộc sống khá dư giả nhưng từ khi đất bị thu hồi đến nay chúng tôi chẳng có công việc gì để làm. Đất bỏ hoang cho cỏ mọc nhưng người dân không được canh tác, tôi thấy thật lãng phí”.
Ngoài ông Xuân, bà Nể, hàng trăm người dân tại dự án Sài Gòn Safari cũng đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi chủ đầu tư chưa giải quyết dứt điểm việc đền bù, giải tỏa cũng như thiết lập khu tái định cư cho người dân. Mặt khác, việc bỏ hoang gần 500 ha đất nhiều năm cũng gây lãng phí và sự bức xúc cho người dân địa phương. Trước đây, diện tích dự án là nguồn thu chủ yếu của địa phương qua việc nuôi bò, trồng cao su, đậu phộng... Tuy vậy, đến nay toàn dự án chỉ có cỏ và cây dại mọc um tùm khiến nhiều người tỏ ra tiếc nuối.
Trước bức xúc của người dân bị thu hồi đất, cuối tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân đã họp các sở ngành liên quan và UBND huyện Củ Chi để tìm hướng giải quyết cho dự án Công viên Sài Gòn Safari.
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Chánh thanh tra thành phố chủ trì làm việc với các đơn vị có trách nhiệm thực hiện dự án để xem xét lại toàn bộ nội dung khiếu nại, quy trình giải quyết khiếu nại và kết quả giải quyết.
Đồng thời, thanh tra thành phố cũng được giao kiểm điểm trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc chậm triển khai dự án, để tình trạng tái lấn chiếm đất diễn ra phức tạp và báo cáo thường trực UBND thành phố ngay trong tháng 6 này.
Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân cũng yêu cầu Sở Nội vụ chủ trì nghiên cứu mô hình liên doanh giữa Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontouris) và Công ty Thảo Cầm Viên Sài Gòn để triển khai ngay dự án Công viên Sài Gòn Safari trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định bồi thường thành phố và Sở Tài chính cũng đươc giao cân đối, giải quyết kinh phí giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án theo chủ trương của thành phố đã được duyệt.
Xuân Hinh – Trung Kiên