Siêu doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, cổ đông góp vốn “chạy ăn từng bữa”

(Dân trí) - Câu chuyện về siêu doanh nghiệp 144 nghìn tỷ đồng (6,3 tỷ USD) và cổ đông góp vốn "chạy ăn từng bữa" là thông tin được bạn đọc quan tâm nhiều nhất tuần qua.

Cổ đông “đại gia” siêu doanh nghiệp “chạy ăn từng bữa”

Tuần qua, cộng đồng tài chính xôn xao về thông tin xuất hiện một doanh nghiệp vốn điều lệ đăng ký lên tới 144.000 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ “khủng”, vượt qua cả Viettel, Formosa Hà Tĩnh… thậm chí, còn lớn hơn cả tổng vốn điều lệ của “big four” - 4 ngân hàng lớn nhất nước là Agirbank, BIDV, Vietcombank, VietinBank cộng lại. Nhưng doanh nghiệp này chỉ có 3 cổ đông sáng lập và đều là cá nhân; mỗi cá nhân góp vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.

Điều đáng ngạc nhiên, khác với suy nghĩ của nhiều người về quy mô tầm vóc một doanh nghiệp “siêu khủng", địa điểm đăng ký kinh doanh của công ty này là ngôi nhà nhỏ sơn màu xanh nằm trong xóm.

Chủ nhân ngôi nhà là bà Kim Thị Phương, một trong ba cổ đông sáng lập công ty có vốn góp 43.200 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 30% vốn.

Siêu doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, cổ đông góp vốn “chạy ăn từng bữa” - 1

Căn nhà là trụ sở doanh nghiệp siêu khủng tỷ USD nằm sâu trong nhõ nhỏ tại huyện Hoài Đức, Hà Nội

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, bà Phương cho biết: “Tôi có biết gì đâu, tôi chưa góp vốn đồng nào. Tôi làm gì có tiền, ăn còn chẳng đủ ”.

Theo bà Phương, người đi đăng ký uống rượu say, đăng ký nhầm .

Cũng theo bà này, lúc nhận giấy tờ để ký, chỉ nghĩ doanh nghiệp làm chung này có quy mô vốn cùng lắm chỉ vài tỷ đồng, mấy người cùng góp vào để làm ăn. Bà không ngờ quy mô vốn "bị ghi nhầm" lại lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẳng định không nhầm. Chính vì vậy, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo cho các cơ quan liên quan về trường hợp này để theo dõi.

Sau đó, bà đã cùng luật sư tới Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội làm các thủ tục có liên quan với hy vọng sớm chấm dứt những phiền phức từ vụ lập “siêu" doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các luật sư cho biết, không phải muốn rút khỏi công ty hay huỷ bỏ là có thể rút ngay được.

“Đã cấp đăng ký, tức là đã có giấy khai sinh rồi muốn huỷ bỏ phải làm thủ tục giải thể. Trình tự theo quy định pháp luật”, Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nói.

Nhà Cường đô la gặp ách tắc

Hồi đầu tháng 2 này, QCG của nhà Cường đôla đã được Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM đưa ra khỏi diện cảnh báo do đã khắc phục được những vi phạm trong nghĩa vụ công bố thông tin. Tuy nhiên, điều mà nhà đầu tư quan tâm tới QCG hiện tại đó là việc tháo gỡ 6 dự án bị ách tắc, gây thiệt hại lớn cho công ty, đặc biệt là dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè có quy mô 91ha.

Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch QCG cho biết: Kế hoạch sử dụng đất của dự án Phước Kiển 91 ha đã được phê duyệt năm 2018, nhưng nay UBND huyện Nhà Bè đang trình xin gia hạn.

Theo bà Loan, thủ tục này, Sở Kế hoạch Đầu tư đang thụ lý, nhưng hiện nay Quốc Cường Gia Lai không được gia hạn vì chưa có quyết định chủ trương đầu tư.

Tuy chưa rõ kết quả ra sao, song việc dự án của Quốc Cường Gia Lai được đưa ra xem xét tháo gỡ cũng đang được đánh giá là một thông tin tích cực với cổ phiếu QCG.

Đại gia đầu bạc nổi danh 1 thời, ngồi tù vẫn bị truy tố thêm tội

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Trần Phương Bình, nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) và 11 bị can là cấp dưới thực hiện hành vi gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng.

Siêu doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, cổ đông góp vốn “chạy ăn từng bữa” - 2

Giai đoạn I vụ án đã xét xử ông Trần Phương Bình và các đồng phạm về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 165, 280, 285 BLHS năm 1999, xảy ra tại DAB.

Giai đoạn II vụ án điều tra làm rõ sai phạm của ông Bình và đồng phạm liên quan đến các khoản vay thuộc 5 nhóm khách hàng (gồm: Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, M&C, Tân Vạn Hưng và Lê Anh Tuấn - Nguyễn Thị Ngọ).

Ái nữ của Tân Hiệp Phát "đổ tiền" vào Yeah1

Tuần qua, bà Trần Uyên Phương - ái nữ của ông Trần Quí Thanh - ông chủ của Tân Hiệp Phát đã mua vào tổng cộng 6,05 triệu cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Yeah1, nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này từ 2,26% lên mức 21,61%. 

Siêu doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, cổ đông góp vốn “chạy ăn từng bữa” - 3

Ái nữ của ông Trần Quí Thanh công bố mục đích rót tiền vào Yeah1 trên tư cách "đầu tư cá nhân"

Thời điểm và số lượng cổ phần YEG mà bà Trần Uyên Phương mua vào trùng với thời điểm và số lượng cổ phần YEG mà hai nhà lãnh đạo của Yeah1 thực hiện bán ra.

Các giao dịch này đã làm thay đổi đáng kể bức tranh cơ cấu cổ đông lớn ở Yeah1. Tỷ lệ sở hữu của hai lãnh đạo chủ chốt (ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống và ông Đào Phúc Trí) giảm mạnh về 30,3%, trong đó, ông Tống vẫn là cổ đông có tỷ lệ sở hữu cao nhất (25,52%). Bà Trần Uyên Phương trên tư cách “đối tác chiến lược” trở thành cổ đông lớn thứ hai của Yeah1.

 Thế Hưng