1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đại gia đầu bạc nổi danh 1 thời, ngồi tù vẫn bị truy tố thêm tội

Nhiều đại gia sau khi đã ngồi tù nhưng vẫn tiếp tục được cơ quan chức năng truy tố ở nhiều vụ án khác như ông Trần Phương Bình, Đinh La Thăng,...

Truy tố ông Trần Phương Bình

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Trần Phương Bình, nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) và 11 bị can là cấp dưới thực hiện hành vi gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng.

Cáo trạng nêu, DAB được thành lập năm 1992, đến nay đã 39 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng; 100% cổ đông trong nước, cổ đông sáng lập chiếm 13,21% và cổ đông thường chiếm 86,79%.

Trong đó, nhóm gia đình Trần Phương Bình chiếm 10,24%; nhóm CTCP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chiếm 7,7%; nhóm CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 chiếm 12,73%; Văn phòng Thành ủy TP.HCM chiếm 12,79%.

Đại gia đầu bạc nổi danh 1 thời, ngồi tù vẫn bị truy tố thêm tội - 1
Đại gia đầu bạc bị truy tố thêm tội

Ông Bình giữ chức Tổng giám đốc DAB từ ngày 25/3/1998 đến ngày 20/8/2015, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB từ ngày 19/1/2006 đến ngày 20/8/2015.

Giai đoạn I vụ án đã xét xử ông Trần Phương Bình và các đồng phạm về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 165, 280, 285 BLHS năm 1999, xảy ra tại DAB.

Giai đoạn II vụ án điều tra làm rõ sai phạm của ông Bình và đồng phạm liên quan đến các khoản vay thuộc 5 Nhóm khách hàng (gồm: Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, M&C, Tân Vạn Hưng và Lê Anh Tuấn - Nguyễn Thị Ngọ).

Cơ quan điều tra tạm dừng xác minh thu tài liệu liên quan đến các khoản vay của 3 Nhóm khách hàng (gồm Đặng Phước Dừa, Phát Đạt và 586), do nhóm khách hàng Đặng Phước Dừa và nhóm khách hàng Phát Đạt đang trả nợ đúng hạn theo phương án đã được DAB và NHNN phê duyệt.

Truy tố Đinh La Thăng

Theo kết luận điều tra, ngày 29/10/2007, ông Đinh La Thăng thay mặt HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký nghị quyết "chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất ethanol khu vực phía Bắc" với phương thức thực hiện thành lập công ty cổ phần làm chủ đầu tư dự án.

Bị can Đinh La Thăng, với vai trò là chủ tịch HĐTV PVN, trưởng ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học của PVN, mặc dù biết liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ nhưng vẫn chủ trì, kết luận các cuộc họp về chủ trương chỉ định thầu, chỉ đạo quyết liệt và ra quyết định giao liên danh nói trên thực hiện gói thầu.

Đại gia đầu bạc nổi danh 1 thời, ngồi tù vẫn bị truy tố thêm tội - 2
Bị cáo Đinh La Thăng

Kết luận điều tra xác định thiệt hại do hành vi lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ gây ra là toàn bộ số tiền lãi suất phát sinh mà PVB đã trả và số còn có nghĩa vụ trả cho các ngân hàng từ khi dự án dừng thi công đến ngày khởi tố vụ án là hơn 540 tỷ đồng.

Ông Lê Tấn Hùng bị khởi tố thêm tội Tham ô

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bổ sung đối với bị can Lê Tấn Hùng (cựu Tổng giám đốc Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn - Sagri) về tội Tham ô tài sản, quy định tại khoản 4, Điều 353 - Bộ luật Hình sự 2015.

Việc khởi tố bổ sung được thực hiện khi cơ quan điều tra xác định ông Hùng cùng một số người khác có dấu hiệu tham ô nhiều tỷ đồng trong thời gian điều hành Sagri. Ông Lê Tấn Hùng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Thanh tra TP.HCM xác định việc Sagri không tổ chức đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài nhưng vẫn thanh toán toàn bộ chi phí hơn 13 tỷ đồng là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc kế toán. Công ty này có dấu hiệu cấu kết với công ty du lịch lập khống hồ sơ chứng từ nhằm hợp thức hóa vụ việc để hạch toán và quyết toán. Trách nhiệm này thuộc về tổng giám đốc và kế toán trưởng.

Hà Văn Thắm bị phạt thêm 15 năm tù

Ngày 14/1, TAND Hà Nội tuyên bị cáo Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank) 15 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Theo hồ sơ tố tụng, năm 2012, ông Long thế chấp một số bất động sản ở Hà Nội bao gồm khu dự án ở quận Thanh Xuân không đủ giá trị pháp lý cho Oceanbank để lấy tiền trả nợ và sử dụng vào mục đích cá nhân.

Đại gia đầu bạc nổi danh 1 thời, ngồi tù vẫn bị truy tố thêm tội - 3

Bị cáo Hà Văn Thắm

Sau đó, bị cáo chỉ đạo cấp dưới lập hóa đơn, chứng từ khống để ngân hàng của Hà Văn Thắm giải ngân, cho vay hơn 220 tỷ đồng.

Đến nay, Oceanbank mới thu hồi được hơn 130 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng xác định bị cáo Long đã chiếm đoạt hơn 90 tỷ còn lại.

Tổng hợp với hình phạt chung thân của TAND Cấp cao, Hà Văn Thắm phải chấp hành mức án tổng hợp là tù chung thân.

Còn Hà Văn Thắm đã ký quyết nghị cấp hạn mức tín dụng 250 tỷ cho Công ty Megastar khi tài sản đảm bảo không đủ giá trị pháp lý. Hành vi này vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay, vi phạm quy chế đảm bảo tiền vay và vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Theo Bảo Anh
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm