"Chạy ăn từng bữa” lập công ty 6,3 tỷ USD: Do uống rượu say, khai nhầm?!

(Dân trí) - Trao đổi với báo chí, bà Phương, một trong ba cổ đông vốn hàng chục tỷ đồng thành lập doanh nghiệp siêu khủng 144.000 tỷ đồng (gần 6,3 tỷ USD) cho biết: Người đi đăng ký uống rượu say, đăng ký nhầm.

Bà này cho biết: “Mấy ngày nay sau khi nghe tin mọi người đến nhà như một cái chợ, cuộc sống đảo lộn hết. Thôi tốt nhất là phải ra hủy thôi”.

Chạy ăn từng bữa” lập công ty 6,3 tỷ USD: Do uống rượu say, khai nhầm?! - 1

Căn nhà là trụ sở doanh nghiệp siêu khủng tỷ USD nằm sâu trong nhõ nhỏ tại huyện Hoài Đức, Hà Nội

Cổ đông đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng cho biết chỉ làm nghề bán nước đóng chai, nhà cửa trong ngõ nhỏ không hề có tiền nhiều đến vậy, thậm chí phải chạy ăn từng bữa.

Theo bà Phương, ngày hôm qua đã yêu cầu người khai lập doanh nghiệp đi huỷ hồ sơ đăng ký kinh doanh.

Theo bà này, lúc nhận giấy tờ để ký, chỉ nghĩ doanh nghiệp làm chung này có quy mô vốn cùng lắm chỉ vài tỷ đồng, mấy người cùng góp vào để làm ăn. Bà không ngờ quy mô vốn "bị ghi nhầm" lại lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

"Cũng may là biết mà hủy sớm chứ không thì sau phát sinh chuyện gì không biết rồi sẽ ra sao", bà Phương nói.

Tuy nhiên, diễn biến vụ việc này khá khó hiểu bởi theo đại diện Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khi nhận thấy có doanh nghiệp đăng ký vốn bất thường, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cơ quan tiếp nhận đăng ký kinh doanh chủ động liên hệ với người đi khai hồ sơ, kê khai lập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, người được liên hệ đó lần nữa khẳng định không nhầm. Chính vì vậy, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo cho các cơ quan liên quan về trường hợp này để theo dõi.

Vấn đề này cần làm rõ từ cá nhân đi kê khai, lẫn trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận hồ sơ bởi một số dữ liệu như căn cước công dân không trùng khớp với tên người cổ đông sáng lập.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, vốn đăng ký bình quân doanh nghiệp thành lập mới tháng 1/2020 đã tăng đột biến 115% do có một doanh nghiệp mới lập với số vốn 144.000 tỷ đồng, chiếm gần 54% tổng vốn đăng ký lập mới cả nước. Theo Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia, doanh nghiệp này là Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC.

Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco) đặt trụ sở chính tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ba cổ đông của công ty này đều là cá nhân, với ông Nguyễn Hoàn Sơn góp 57.600 tỷ, bà Kim Thị Phương và ông Trần Gia Phong mỗi người góp 43.200 tỷ đồng.

USC Interco đăng ký 59 ngành, nghề kinh doanh, với lĩnh vực chính là kinh doanh bất động sản. Giám đốc công ty là ông Trần Gia Phong, sinh năm 1979, điều đáng nói là dựa theo số thẻ căn cước công dân ông này lại trùng khớp với ông Lê Văn Dũng, không hề liên quan đến ba cá nhân nói trên. 

Theo quy định của pháp luật liên quan như Luật Doanh nghiệp 2014, Nghị định 50/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư, Nghị định 78/2015/NĐ-CP về Đăng ký kinh doanh quy định rõ trách nhiệm, quy định xử phạt hành vi khai gian, khai khống vốn thành lập doanh nghiệp.

Nếu qua 90 ngày theo luật định, doanh nghiệp, cá nhân không góp đủ số vốn quy định, sẽ bị xử phạt khung từ 10 đến 20 triệu đồng, ngoài ra sẽ bị xử phạt các hành vi vi phạm bổ sung từ 5 đến 15 triệu đồng. Với trường hợp khai gian, Bộ Công an sẽ trực tiếp vào cuộc để xác minh, làm rõ các dấu hiệu.

Theo một số chuyên gia, nếu phát hiện doanh nghiệp khai gian, có yếu tố lừa đảo, cấu thành nhiều hành vi vi phạm khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn toàn có đủ cơ sở đề điều tra các cáo buộc tội phạm hình sự.

Nguyễn Tuyền