“Siêu công ty” xử lý nợ xấu sẽ ra đời trong vài ngày tới
(Dân trí) - Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, trong một vài ngày tới, Chính phủ sẽ làm các thủ tục để thông qua Nghị định thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia nhằm thúc đẩy nhanh hơn tiến trình xử lý nợ xấu, "gỡ nút thắt" tín dụng cho nền kinh tế.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (Ảnh: BD).
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2013 diễn ra chiều nay (26/4), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, nếu không có gì thay đổi, trong một vài ngày tới Chính phủ sẽ làm thủ tục để thông qua Nghị định thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC).
Bộ trưởng lưu ý, VAMC chỉ là một trong nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu tại bối cảnh hiện nay. Trước khi thành lập VAMC, bản thân các bộ ngành, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng đã và đang tiếp tục xử lý nợ xấu của mình.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trách nhiệm trước hết vẫn thuộc về các ngân hàng. Theo đó, mỗi ngân hàng đều phải trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định.
Người phát ngôn Chính phủ cho hay, trên thực tế, việc xử lý nợ xấu, lập công ty AMC, không có mô hình nào trên thế giới mà Việt Nam có thể học tập một cách trọn vẹn. Khó có thể nói mô hình nào thành công hay không.
Theo đó, đây là một vấn đề rất mới, nhiều cơ chế đề xuất ra tương đối đặc thù. “Tinh thần của Chính phủ là một khi đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản và đạt được những mặt tích cực thì sẽ cho ra đời công ty này bằng Nghị định. Trong quá trình làm hết sức cầu thị, tiếp tục nghe những ý kiến đóng góp để tiếp tục có những điều chỉnh” – Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.
Mục tiêu, VAMC sẽ là một thiết chế góp phần giải quyết nhanh hơn nợ xấu, không chỉ là nợ xấu giữa các ngân hàng mà còn phải khiến tác dụng lan toả đến các doanh nghiệp kinh doanh.
Sự ra đời của VAMC đang được thị trường mong đợi, cho rằng đây là một trong những mấu chốt quan trọng để tháo gỡ “nút thắt” nợ xấu, nguyên nhân cản trở dòng tín dụng ra nền kinh tế giữa bối cảnh khó khan hiện nay. Công ty dự kiến trực thuộc Ngân hàng Nhà nước quản lý.
VAMC hiện đã được Bộ Chính trị thông qua về mặt nguyên tắc. Mặc dù đã được Chính phủ bàn bạc kỹ lưỡng trong phiên họp tháng trước, song Đề án xử lý nợ xấu cũng như Nghị định thành lập VAMC vẫn chưa thuyết phục được các thành viên Chính phủ và phải đến phiên họp lần này, sự ra đời của VAMC mới có cơ hội được “gật đầu”.
Được biết, tính đến cuối tháng 2/2013, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ nền kinh tế đã giảm xuống mức 6% so con số trên 8% năm 2012.
Bích Diệp