SHB muốn nhận sáp nhập một công ty tài chính

(Dân trí) - Tại đại hội cổ đông ngày 19/4 tới, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sẽ trình cổ đông thông qua việc tham gia tái cấu trúc đối với công ty tài chính. Tuy nhiên, danh tính công ty tài chính này vẫn chưa được công bố.

Danh tính công ty tài chính mà SHB muốn nhận sáp nhập chưa được công bố.

Danh tính công ty tài chính mà SHB muốn nhận sáp nhập chưa được công bố.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên 2014 về việc tham gia tái cấu trúc đối với các công ty tài chính.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Theo SHB, việc tái cấu trúc đối với các công ty tài chính mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai là cơ hội cho SHB nhận sáp nhập 1 công ty tài chính để tái cấu trúc thành 1 đơn vị trực thuộc SHB tập trung phát triển mảng dịch vụ ngân hàng phục vụ tiêu dùng.

Do đó, HĐQT SHB trình cổ đông thông qua việc nhập sáp nhập 1 công ty tài chính và tái cấu trúc công ty đó phù hợp với chiến lược, mục tiêu phát triển của SHB.

HĐQT SHB cũng xin ủy quyền của cổ đông để chủ động lên phương án, lựa chọn công ty tài chính phù hợp cũng như xây dựng đề án và hợp đồng sáp nhập cũng như các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Hiện danh tính công ty tài chính mà SHB nhận sáp nhập chưa được công bố. Trước đó, SHB cũng đã nhận sáp nhập Habubank.

Theo các tờ trình được công bố trước đó, năm 2014, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.270 tỷ đồng, tăng 26,9% so với thực hiện năm 2013, chia cổ tức 9%. SHB cũng dự kiến tăng vốn điều lệ từ 8.865,8 tỷ đồng, lên 11.082 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 4:1 với giá phát hành bằng mệnh giá. Trong trường hợp cổ đông hiện hữu không đăng ký mua cổ phần phát hành thêm, SHB sẽ lựa chọn và bán cổ phần cho đối tác chiến lược trong và ngoài nước.

Như vậy, SHB là ngân hàng thứ 6 có kế hoạch nhận sáp nhập với một tổ chức tín dụng khác trong đợt thứ hai về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

Theo tài liệu họp cổ đông của nhiều ngân hàng được công bố trước đó, nhiều ngân hàng có dự kiến sáp nhập với các tổ chức tín dụng khác như: Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) nhận sáp nhập ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB); Vietcombank, Quân Đội (MB) xin chủ trương nhận sát nhập 1 tổ chức tín dụng nhưng chưa đưa ra phương án cụ thể; Ngân hàng Xăng dầu (PGBank) xin sáp nhập với Vietinbank. Hay Ngân hàng Bản Việt cũng để ngỏ sẽ sáp nhập với một ngân hàng khác.

Trước đó, cổ đông Sacombank thông qua chủ trương nhận sát nhập ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank). Theo dự báo, thị trường tài chính ngân hàng sẽ có thêm nhiều đợt mua bán, sáp nhập các tổ chức tín dụng vào thời gian tới.

Nguyễn Hiền
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước