Sếp VPBank hé lộ vừa nhận cọc 3.590 tỷ đồng; kết quả kinh doanh FE Credit

Thảo Thu

(Dân trí) - VPBank hôm qua (17/4) đã nhận khoảng 3.590 tỷ đồng tiền đặt cọc trong thương vụ bán 15% cổ phần cho SMBC trị giá 1,5 tỷ USD (gần 36.000 tỷ đồng). Kết quả kinh doanh của FE Credit cũng được hé lộ.

Chiều 18/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán: VPB) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. 

Về thương vụ bán 15% vốn cho đối tác Nhật SMBC, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết hôm 17/4, ngân hàng đã nhận được đặt cọc 10% giá trị thương vụ, tức 3.590 tỷ đồng. "Đến khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 hai bên sẽ hoàn tất thương vụ, sau một số thủ tục liên quan đến phát hành cổ phiếu riêng lẻ", ông Dũng thông tin.

Cổ đông cũng đặt câu hỏi về khả năng được nới room ngoại lên 49% của VPBank. Tuy nhiên, Chủ tịch Ngô Chí Dũng bỏ ngỏ câu trả lời do nội dung này vẫn đang nghiên cứu, phụ thuộc vào quá trình phê duyệt.

Sếp VPBank hé lộ vừa nhận cọc 3.590 tỷ đồng; kết quả kinh doanh FE Credit - 1

Phiên họp thường niên năm 2023 của VPBank (Ảnh: BTC).

Không có sức ép về việc chuyển nợ xấu của Novaland

Một trong những vấn đề được cổ đông chất vấn tại phiên họp là câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có trái phiếu Novaland.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc, cho biết, tổng trái phiếu doanh nghiệp VPBank đang đầu tư tính đến thời điểm hiện tại là hơn 30.000 tỷ đồng, giảm hơn 5.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Trong cơ cấu trái phiếu, gần 60% là trái phiếu bất động sản với 44 nhà đầu tư. Một số doanh nghiệp ông Vinh kể đến là Vingroup, Sungroup, Đất Xanh… "Trái phiếu doanh nghiệp của mỗi nhà đầu tư bất động sản không chiếm quá 1% tổng dư nợ của VPBank", ông Vinh thông tin.

Ông khẳng định tất cả trái phiếu nêu trên đều có tài sản đảm bảo và đủ điều kiện để xử lý nếu có vấn đề phát sinh. 40% trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng nắm giữ còn lại thuộc nhiều ngành nghề, một số cái tên được ông Vinh nhắc tới là Masan, Becamex…

Với riêng dư nợ trái phiếu của Novaland, ông không tiết lộ con số cụ thể. "Ngân hàng vẫn đang quản lý dòng tiền của Novaland và dòng tiền vẫn còn để tiếp tục chi trả các khoản nợ của doanh nghiệp này. Chúng tôi không có sức ép về việc chuyển nợ xấu của Novaland từ nay đến cuối năm", ông Vinh nói.

Ngoài trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng này còn sở hữu 30.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Ông Vinh cho biết năm ngoái, ngân hàng thiếu hạng mục này do lãi suất thấp. "Năm nay chúng tôi sẽ tăng lên để đảm bảo thanh khoản", CEO chia sẻ. 

FE Credit vẫn thua lỗ quý đầu năm 

Cổ đông thắc mắc kế hoạch tham vọng như lợi nhuận trước thuế 24.000 tỷ đồng, vượt 1 tỷ USD, dư nợ tín dụng tăng 33%... được đặt ra trên cơ sở nào, nhất là trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn. Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh nhìn nhận việc tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế trong quý I. Ông cho biết thậm chí quý II sẽ là thách thức thực sự. "Dù vậy, ban điều hành vẫn không thay đổi tham vọng đề ra cho năm 2023 và đặt niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm", ông Vinh nói.

Ông cho biết, 2023 sẽ là năm ngân hàng tiếp tục mở rộng hoạt động dựa trên cơ sở nguồn vốn, đội ngũ nhân sự. Đặc biệt, ngân hàng mở rộng phân khúc khách hàng, tăng đầu tư trong lĩnh vực chứng khoán, quản lý quỹ, bảo hiểm, phát triển hệ sinh thái số…

Cũng theo ông, HĐQT của ngân hàng đã thông qua phương án tái cấu trúc Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) để phát triển dài hạn đối với công ty tài chính tiêu dùng này. Ngành tài chính tiêu dùng trong 5-10 năm tới vẫn là thị trường lớn mạnh và khẳng định sẽ tái cấu trúc FE Credit thận trọng. Không nêu con số cụ thể, nhưng ông Vinh cho biết quý đầu năm nay, FE Credit tiếp tục thua lỗ. Năm ngoái, FE Credit lỗ 2.376 tỷ đồng sau thuế.

Về kết quả kinh doanh quý đầu năm của VPBank, lợi nhuận ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tức bằng khoảng 1/5 kế hoạch đặt ra. Theo ông Vinh, kết quả quý đầu năm thường chậm hơn các quý sau. Vị này tin tưởng nhà băng vẫn có thể đạt kết quả như kế hoạch đặt ra.

Đại hội đồng cổ đông cũng đã thông qua các phương án cơ cấu lại hoặc hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém. Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết VPBank là một trong 4 ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém song vẫn đang trong quá trình nghiên cứu triển khai. Ông không tiết lộ đơn vị sẽ nhận chuyển giao.