Sếp Viettel, PVN... chia sẻ gì với Thủ tướng gần "Tết doanh nhân"?
(Dân trí) - Tại buổi gặp gỡ giữa Thường trực Chính phủ và đại diện giới doanh nhân Việt Nam, các lãnh đạo doanh nghiệp đã có những chia sẻ về những kỳ vọng phát triển trong tương lai.
Doanh nghiệp rất cần "điểm tựa" khi đầu tư ra nước ngoài
Sáng nay (4/10), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.
Chia sẻ tại cuộc gặp, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Vietel, cho biết sau khi khai trương mạng di động năm 2004, chỉ 2 năm sau, tức năm 2006, Vietel đã đầu tư ra nước ngoài.
Mặc dù là lĩnh vực mới, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng Vietel cũng mạnh dạn đầu tư tại 2 nước là Lào và Campuchia từ đó rút kinh nghiệm để đầu tư ra các nước khác...
Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, Viettel cũng xác định đầu tư ra nước ngoài gắn chặt với nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, từ đó giúp thúc đẩy ngoại giao văn hóa, đối ngoại quốc phòng, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người, những thành tựu của Việt Nam ra quốc tế.
Về thách thức, kinh doanh ra nước ngoài cũng có nhiều khó khăn. Những vùng chúng ta tìm đến là những vùng khó khăn như ở châu Phi, Nam Mỹ, hay ở Đông Nam Á. Khi xin phép đầu tư, Viettel luôn khảo sát rất kỹ thị trường trước khi ra quyết định, tuy nhiên chúng ta cũng không thể lường trước được những xung đột, diễn biến chính trị ở các quốc gia.
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm, ông Thắng cho rằng đầu tiên doanh nghiệp phải có khát vọng, tự tin, tự hào đủ lớn. Kinh doanh ra nước ngoài, các doanh nghiệp phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng phải tự tin, kiên trì, khát vọng đủ lớn để thành công.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng tình hình chính trị, kinh tế, luật pháp và tạo dựng được mối quan hệ với Chính phủ, gắn kết với chính quyền địa phương.
Ông cho rằng khi kinh doanh ra nước ngoài rất cần điểm tựa, nhất là tại những nước chúng ta không có sứ quán, bảo hộ đầu tư, cần có chiến lược hoặc nghị quyết về lĩnh vực này để doanh nghiệp tự tin đi ra nước ngoài
Không những vậy, cần giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp đầu đàn, với những thế mạnh tại những vùng, khu vực cụ thể, cùng với các doanh nghiệp khác của Việt Nam tạo hệ sinh thái đầy đủ tại các nước đầu tư.
Thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cho rằng thực tế hiện nay, doanh nghiệp Nhà nước và các Tập đoàn kinh tế nhà nước có mặt trong các lĩnh vực trọng yếu, quốc phòng an ninh, năng lượng, dầu khí, hàng không, cảng biển… và nhiều địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Hiện nay, doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ nguồn lực lớn và tài sản, nhân lực, công nghệ. Thời gian qua, doanh nghiệp nhà nước đóng góp lớn cho nền kinh tế, góp 28% ngân sách nhà nước, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 1 triệu lao động trực tiếp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện an sinh xã hội.
Bà Nguyễn Thị Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce - Thành viên Tập đoàn Masan, cho biết với nền kinh tế và chính trị ổn định, quy mô dân số hơn 100 triệu người, cơ cấu dân số vàng cùng với sự đổi mới, số hóa, công nghệ hóa mạnh mẽ, Việt Nam đang sở hữu tiềm năng rất lớn để phát triển ngành bán lẻ.
Theo đó, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Hiện thị trường bán lẻ của Việt Nam đạt 180 tỷ USD.
Song song với cơ hội phát triển, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng gặp phải một số thách thức đáng kể. Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức, áp lực lớn về thị phần trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự gia tăng cạnh tranh từ các chuỗi bán lẻ FDI và mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới với ưu thế về giá thành rẻ, chuyển phát nhanh, hệ thống kho bãi, logistic...
Bà Phương cho rằng lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam đang góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế bằng việc duy trì tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hàng năm.
Mặc dù thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ; dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trưởng tốt, tuy nhiên, tỷ lệ bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Về phía doanh nghiệp, bà Phương mong các bộ, ban, ngành liên quan sớm hướng dẫn tổ chức triển khai cụ thể và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào các giải pháp chiến lược để đạt được mục tiêu chung như phát triển thương mại hiện đại, tăng trưởng bền vững, tạo tiền đề vững chắc tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.