Gặp Thủ tướng, sếp Masan, Sovico, Sun Group, Geleximco... nói gì?
(Dân trí) - Chia sẻ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp đã có những đề xuất tới Chính phủ để tháo gỡ khó khăn.
Mong tiếp tục có cơ chế hỗ trợ để thực hiện những giấc mơ lớn
Sáng 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico, nhấn mạnh rằng đi qua nhiều thách thức, khó khăn, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn có trách nhiệm xã hội, có vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, có năng lực cạnh tranh quốc tế góp phần xây dựng một Việt Nam năng động, sáng tạo với tầm vóc và vị thế mới.
Chủ tịch Sovico bày tỏ mong muốn rằng lãnh đạo Chính phủ hãy tin tưởng, đồng thời, tạo điều kiện xây dựng các quy định, pháp luật, cơ chế cho các doanh nghiệp tư nhân. Từ đó, hình thành các Tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế làm đầu tàu và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp và nông thôn, các công ty khởi nghiệp.
Gia tăng giá trị xuất khẩu về chất
Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Masan kiến nghị gia tăng giá trị xuất khẩu cho Việt Nam. Theo ông, thời gian gần đây, giá trị xuất khẩu ở Việt Nam tăng trưởng và phát triển tốt, nhưng đã đến lúc phải tăng trưởng về chất, không tập trung quá về số lượng.
Để lan tỏa văn hóa ẩm thực, tăng lợi thế cạnh tranh, mang văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, lãnh đạo tập đoàn này đề nghị Chính phủ ban hành lộ trình, chiến lược vươn ra toàn cầu của ẩm thực Việt Nam, xây dựng hình ảnh thương hiệu ẩm thực của quốc gia, tạo nên những ẩm thực đại sứ của Việt Nam.
Đơn vị này cũng kiến nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương có đề án xây dựng cổng thông tin cẩm nang và các tài liệu hướng dẫn về các tiêu chuẩn kỹ thuật khi xúc tiến thương mại tại các nước trên thế giới để doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài có thể dễ dàng tham khảo và tiếp cận.
Tăng cường phân cấp, phân quyền
Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group, nhấn mạnh vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển "ngành công nghiệp không khói".
Theo ông, cần thể chế hóa việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo cơ chế giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực thực hiện các dự án trọng điểm mang tính trọng lực phát triển kinh tế-xã hội. Đi kèm với cơ chế lựa chọn này, cũng cần có các cơ chế đặc thù đi kèm.
Ông Trường chia sẻ rằng đối với một dự án nếu đưa ra đấu thầu, đấu giá thì mất rất nhiều thời gian, 2-3 năm, thậm chí hơn. Tuy nhiên, với một số dự án lớn tạo động lực thì chỉ có một số doanh nghiệp đủ sức thực hiện, cuối cùng thì cũng sẽ chọn chúng tôi mà lại mất rất nhiều thời gian, chi phí, cơ hội và tiền bạc.
Đồng thời, ông cũng kiến nghị xem xét áp dụng mô hình thương mại tự do tại các địa bàn tiềm năng du lịch biển đảo như Phú Quốc… nhằm phát triển thu hút đầu tư.
Liên quan đến cơ chế dành cho thị trường khách du lịch nước ngoài, ông Trường đề xuất các bộ, ngành tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương, miễn thị thực ngắn hạn thí điểm cho khách du lịch từ một số thị trường quy mô lớn, chi tiêu cao; cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần cho phân khúc từ Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, châu Âu…
Chủ tịch Geleximco chia sẻ rằng Thủ tướng, các Phó Thủ tướng động viên rất nhiều nhưng ở dưới có cả một rừng cơ chế, chính sách, doanh nghiệp vào không biết đi lối nào, ra lối nào. Ông Tiền đề nghị tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục trong đầu tư các dự án.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Tập đoàn REE, cũng đề xuất Chính phủ nên giao quyền cho tỉnh để cấp chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp bởi tỉnh hiểu rõ về năng lực, uy tín của từng nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Ngoài ra, bà Mai Thanh cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành có những chính sách miễn giảm thuế phù hợp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ vướng mắc khó khăn với doanh nghiệp
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ sẽ nghiên cứu, bãi bỏ các giấy phép con, xóa bỏ môi trường tạo sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc và chung tay cùng doanh nghiệp tháo gỡ để vượt qua khó khăn, thách thức.
Về các góp ý, kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng giao các bộ, ngành lắng nghe, tiếp thu và phải giải quyết với các giải pháp cả trước mắt và lâu dài trên tinh thần đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Trên cơ sở các đề xuất, Thủ tướng cho biết các cơ quan sẽ nghiên cứu, giao nhiệm vụ, đặt hàng các doanh nghiệp để thực hiện. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành xử lý công việc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để cùng các doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả.
Ngoài hội nghị này, Thủ tướng giao các bộ ngành tổ chức các hội nghị chuyên đề với doanh nghiệp theo từng lĩnh vực về tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, thuế, đầu tư… với tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm, kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được".