Sếp KPMG nói về điểm sáng và các thương vụ triệu USD ở Việt Nam sắp tới
(Dân trí) - Bất chấp rủi ro suy thoái toàn cầu, dịch vụ tài chính - ngân hàng được cho là lĩnh vực tạo sức hấp dẫn với các thương vụ M&A thời gian tới.
Trả lời Dân trí tại họp báo công bố Diễn đàn M&A Việt Nam 2022, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, cho biết năm nay, kinh tế thế giới khủng hoảng, song không có nghĩa tất cả các nền kinh tế đều rơi vào suy thoái.
Ông nêu ví dụ, tại Mỹ, châu Âu có thể rơi vào suy thoái, song vẫn thấy điểm sáng ở các nước vùng vịnh. "Họ vẫn hưởng lợi từ giá dầu tăng cao", ông nói.
Chuyên gia tại KPMG chỉ ra kinh tế Việt Nam được nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng trong khu vực. "Kinh tế Việt Nam năm nay được nhiều tổ chức dự báo tăng trưởng 7,5-8%", ông cho hay. Việt Nam theo đó vẫn là điểm sáng cho thị trường M&A (mua bán - sáp nhập).
"Thực tế, thị trường M&A từ đầu năm đã trầm lắng hơn so với các năm trước đây", ông Ái trả lời Dân trí và cho biết giai đoạn 2020-2021 là những năm M&A phát triển tốt. Còn từ đầu năm tới nay, không có một thương vụ M&A trị giá tỷ USD nào được ghi nhận. Thương vụ M&A đạt giá trị cao nhất là khoảng 500 triệu USD.
Dù vậy, ông cho rằng năm nay thị trường M&A trầm lắng không có nghĩa là "ngủ đông". M&A vẫn tích cực ở một số nhóm doanh nghiệp cá biệt. Cụ thể, ông nhìn thấy sự trở lại thị trường M&A trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Ông nói: "Có nhiều thương vụ đang trong giai đoạn chuẩn bị nhiều năm nay, có thể đi đến giai đoạn "chốt deal" vào năm 2023".
Dịch vụ tài chính, theo ông, sẽ là một trong những ngành "nóng" trong năm tới. Ông chỉ ra các ngân hàng lớn như BIDV, VPBank hay một số ngân hàng nhỏ hơn như OCB, NamABank… đều có kế hoạch tăng vốn trong năm nay.
"Thị trường M&A sẽ có những bước tiến bộ, dù sẽ chậm hơn so với trước", ông Ái nói. Theo đánh giá của ông, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư có sẵn tiền mặt mua lại các dự án hấp dẫn.
Một tín hiệu lạc quan khác về bức tranh M&A trong thời gian tới được ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhắc đến là Nghị quyết 31/2021 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế với nhiều giải pháp phát triển thị trường tài chính, vốn, trái phiếu, chứng khoán…
Ông Phan Đức Hiếu cho rằng nếu những nội dung trong Nghị quyết được thực thi thì Việt Nam sẽ có nền kinh tế chất lượng, tạo tác động tích cực cho thị trường vốn, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp và thị trường M&A phát triển.
Ông Hiếu cũng nhìn ra xu hướng dịch chuyển từ "cơ hội" sang "chiến lược" ở các bên mua, tức hướng tới giá trị lâu dài hơn là cơ hội trong ngắn hạn. Ông nói: "Chất M&A đang thay đổi nên chỉ dựa trên quy mô giảm để nói thị trường không tốt là chưa đầy đủ".
Ông thừa nhận rủi ro của thị trường hiện hữu khiến bên mua và bên bán "ngập ngừng". Dù vậy, vị chuyên gia tin rằng thị trường sẽ được kích hoạt trở lại trong 1-2 năm tới, khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định trở lại.