Sẽ tiếp tục tăng giá bán lẻ xăng dầu?

Trong điều kiện giá dầu thô thế giới liên tục giảm và thuế chỉ còn 0%, <a href=" http://www.dantri.com.vn/kinhdoanh/2005/5/53727.vip""> các đầu mối nhập khẩu xăng dầu vẫn kêu lỗ </a>hàng tỷ đồng. Diễn biến này có thể buộc cơ quan quản lý tính tới phương án tiếp tục cân đối giá bán lẻ, nhất là khi giá trong nước đang thấp hơn mặt bằng chung của các nước láng giềng.

Theo báo cáo của Bộ Thương mại, giá bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh từ cuối tháng 3, nhưng do giá các sản phẩm dầu thế giới tăng nên các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu vẫn bị lỗ. Trong tháng 4, ước tính theo giá bình quân, xăng 92 lỗ 489 đồng/lít, dầu diesel lỗ 2.285 đồng/lít, dầu hỏa lỗ 3.415 đồng/lít và dầu mazut lỗ 1.159 đồng/kg.

 

Ông Bùi Ngọc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) cho biết, mỗi năm, công ty cung ứng ra thị trường khoảng 2 triệu tấn xăng dầu. Với giá dầu diezen khoảng 61 USD/thùng cộng thêm chi phí vận chuyển khoảng 1,5-2 USD/thùng, mỗi ngày, công ty lỗ hàng tỷ đồng.

 

Đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu khác cho rằng, so với mặt bằng chung, giá bán lẻ trong nước vẫn đang thấp hơn nhiều so với giá thế giới. Giá xăng A92 của Campuchia là 10.300 đồng/lít, Singgapore 13.787 đồng/lít, Ấn Độ 13.634 đồng/lít trong khi giá đã điều chỉnh của VN là 8.000 đồng/lít. "Do vậy, dù Nhà nước có giảm thuế, so với giá nhập khẩu doanh nghiệp vẫn lỗ", ông này nói.

 

Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước buông giá trong nước theo diễn biến thị trường để nâng cao khả năng cạnh tranh và để Nhà nước khỏi bù lỗ.

 

Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa thừa nhận, trước đây, thị trường xăng dầu thường diễn biến cùng chiều với dầu thô, mỗi khi giá dầu thô tăng cao, các chế phẩm của nó cũng tăng theo và ngược lại. Nhưng, thời gian gần đây quy luật này đã thay đổi, trong khi giá dầu thô xuống 49,7 USD/thùng thì xăng vẫn ở mức 56-57 USD/thùng và dầu diezen vẫn ở mức 61 USD/thùng.

 

Ông Thoả khẳng định, việc các doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó là hoàn toàn có thật. Vì vậy, các bộ ngành hữu quan đang tiếp tục hoàn thiện các quy chế về thẩm định giá và tính toán giải pháp mới, nhằm giảm khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.

 

Chịu trách nhiệm chính về công tác điều hành van thuế xuất nhập khẩu của cả nước, ông Quách Đức Pháp, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế Bộ Tài chính có quan điểm khác. "Lỗ hay lãi trong bối cảnh hiện nay phụ thuộc nhiều vào chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp.

 

Thời gian qua, Nhà nước đã thực hiện bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng và liên tục điều chỉnh thuế theo giá thế giới. Giờ thì thuế đã ở ngưỡng 0%, do vậy, doanh nghiệp không có lý do gì để trách Nhà nước", ông Pháp nói.

 

Theo ông, thời gian qua, giá xăng dầu thế giới lên xuống thất thường, nên các cơ quan quản lý liên tục điều chỉnh thuế suất nhập khẩu theo chiều hướng khi giá giảm, thuế suất tăng; khi giá tăng, thuế suất giảm. Năm 2004, thuế nhập khẩu xăng dầu được điều chỉnh đến 13 lần. "Chúng ta không thể duy trì mãi bảo hộ trong khi xung quanh họ đã cởi bỏ.

 

Trong bối cảnh buôn lậu xăng dầu đang gia tăng, nếu tiếp tục dùng van thuế để điều chỉnh giá bán trong nước cũng đồng nghĩa với việc VN bảo hộ luôn cho các nước lân cận". Theo ông, một ngày không xa, Bộ Tài chính sẽ tiến hành áp chặt một mức thuế nhất định chứ không thực hiện điều chỉnh theo diễn biến thế giới nữa.

 

Và để phù hợp với cơ chế thuế đó, giá bán lẻ trong nước cũng được điều chỉnh lại. Đây là việc chắc chắn xảy ra, vấn đề chỉ còn phụ thuộc vào thời điểm nào mà thôi. "Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm nên ngay cả chúng tôi, những người trong cuộc cũng không thể nói trước. Thông tin này chỉ có thể được công khai vào phút chót", ông Pháp nói thêm.

 

Theo VnExpress