"Sẽ không để đổ vỡ hệ thống ngân hàng"

(Dân trí) - “Chính phủ biết những mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp giữa ngân hàng và bất động sản. Chính phủ sẽ điều chỉnh theo hướng không để đổ vỡ hệ thống ngân hàng".

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý đã được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định tại buổi họp báo chiều 4/11.

Lo lắng cho “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng

Vừa qua, tại phiên thảo luận kinh tế-xã hội, ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) đã thông tin về một số yếu kém trong hoạt động ngân hàng hiện nay. “Một ngân hàng có vốn khoảng nghìn tỷ đồng, khi mới thành lập huy động thêm khoảng 10 nghìn tỷ nữa sau đó nhẹ nhàng rút tiền của mình ra rồi lấy 10 nghìn tỷ của thiên hạ đi buôn bất động sản. Giá đất rớt thê thảm, đến hạn không có tiền trả lại cho người gửi thế là đua nhau đẩy lãi suất huy động lên cao, 18%, 20%, thậm chí 25%, 30%/năm để có tiền, lấy tiền của người sau để trả cho người lấy trước đẩy lạm phát lên cao”.

Về thông tin này, tại cuộc họp báo, theo ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: những thông tin này cần có địa chỉ cụ thể, thông tin xác thật. “Còn đây chỉ là thông tin, nhưng cũng là gợi ý để Ngân hàng xem xét, kiểm tra” – ông Tiến nói.

"Sẽ không để đổ vỡ hệ thống ngân hàng" - 1
"Sức khỏe" của nền kinh tế vĩ mô phụ thuộc rất lớn vào chính sách điều hành tiền tệ (ảnh minh họa)
 
Để kiềm chế lạm phát, từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị kiểm soát tăng tưởng dư nợ tín dụng ở mức dưới 20%. Hiện nay lạm phát giảm nhưng vẫn ở mức cao. Vì vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, phải giảm hơn nữa mức tăng trưởng dư nợ tín dụng.

“Từ nay đến cuối năm, nếu điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 12% thì cũng phù hợp với mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bởi, trong lúc này, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ là phù hợp. Chúng ta có thể chấp nhận mức tăng trưởng chậm lại để kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và để thực hiện tái cơ cấu", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay.

Theo lãnh đạo của Ngân hàng nhà nước, hệ thống ngân hàng về cơ bản hoạt động ổn định, lành mạnh, nhưng cũng có bộ phận khó khăn, hiệu quả thấp. Ngân hàng Nhà nước và cả địa phương có giải pháp để hỗ trợ tính thanh khoản trong một số thời điểm.

“Ngân hàng không phải cứ lớn là mạnh, và ngược lại mà phụ thuộc vào trình độ quản trị và khả năng phòng ngừa rủi ro. Chủ trương tái cơ cấu đồng thời đối với cả doanh nghiệp, ngân hàng nhằm bảo đảm quy mô, hiệu quả của ngân hàng", ông Tiến nói.

Xung quanh câu chuyện vỡ quỹ tín dụng đen thời gian qua, ông Tiến cho hay, đây là vấn đề xã hội, đã từng xảy ra trong quá khứ. "Hành lang pháp lý cho những sai phạm trong hoạt động này chưa đầy đủ. Nhiều người lợi dụng lòng tham của người khác, dẫn đến nhiều bất ổn. Cần quy định chặt chẽ về hoạt động này, tuyên truyền giúp người dân hiểu biết, tránh xa bẫy tín dụng đen, giúp người dân tin tưởng hơn vào ngân hàng để tránh những hậu quả không mong muốn" - Phó Thống đốc nói.

Quyết tâm kiềm chế lạm phát ở mức 18%

Tại cuộc họp báo, ông Vũ Đức Đam cho biết: Hiện nay, CPI đã giảm nhưng sức ép cuối năm rất lớn, sức ép tỷ giá cũng nặng nề. Lãi suất tuy đã giảm xuống nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn khó tiếp cận nguồn vốn, sản xuất khó khăn. Thị trường BĐS thì đang trầm lắng, đời sống của nhân dân vẫn khó khăn…

Mục tiêu của Chính phủ là quyết tâm kiềm chế lạm phát ở mức 18% trong năm nay, duy trì GDP 6%. Năm 2012, nhất định đưa lạm phát về 1 con số, GDP không được dưới 6%.
 
"Sẽ không để đổ vỡ hệ thống ngân hàng" - 2
Chính phủ quyết tâm đưa lạm phát 2012 về 1 con số

Để thực hiện được các mục tiêu trên, ngoài việc điều hành tiền tệ, cần quản lý tốt giá, trong đó chú ý đến các mặt hàng trọng yếu như điện, xăng dầu. Bên cạnh đó, tháo gỡ bớt khó khăn cho DN như dãn thời gian nộp thuế; cơ cấu lại DNNN, thoái bớt vốn nhà nước tại DNNN, cơ cấu lại ngân hàng nhưng không để ảnh hưởng đến hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nhưng trên nguyên tắc không để ngân hàng đổ vỡ, tiền gửi chính đáng của người dân không bị mất.

Liên quan đến câu hỏi của báo chí đến vấn đề Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trình phương án tăng giá điện, ông Vũ Đức Đam trả lời: “Nguyên tắc điều hành giá điện cũng như giá xăng dầu của Chính phủ là phải bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, nhưng về lâu dài phải theo lộ trình giá thị trường.

Chính phủ đã có lộ trình chủ động về giá điện. Đến kỳ họp này, Chính phủ vẫn chưa bàn tăng giá điện. Chính phủ sẽ xem xét vào thời điểm thích hợp nhưng yêu cầu ngành điện công khai giá thành điện, kết quả sản xuất kinh doanh. Chắc chắn sẽ có giải pháp đi kèm để hỗ trợ cho người nghèo, không để chịu thiệt hơn”.

Tại họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết, hiện nay Chính phủ đang bàn việc xem xét các trọng điểm để đầu tư, trong đó sẽ chấn chỉnh vào việc đầu tư dàn trải, đầu tư quá nhiều vào cảng biển, sân bay.

Về phương án xử lý với Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom), Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, chủ trương của Chính phủ là các tập đoàn nhà nước phải tập trung vào sản xuất - kinh doanh mặt hàng chính, dần thoái dần vốn ở những lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành. Việc tiến hành sắp xếp và có phương án với EVN Telecom không nằm ngoài chủ trương này.

“Đến nay, đã có nhiều đối tác muốn tham gia mua lại EVN Telecom như VTC, FPT, Hà Nội Telecom. Hiện, Chính phủ đang xem xét, nhưng đúng với tinh thần bảo đảm về suy định sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, quy định về kinh doanh viễn thông, về cạnh tranh, không làm tổn hại đến đối tác và khách hàng”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định.

Lan Hương