Sẽ huy động 300 - 500 tấn vàng trong dân

(Dân trí) - Nhân dịp đầu năm mới, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, thời gian tới, Nhà nước sẽ không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các tổ chức trung gian. Cùng với đó, nếu đến cuối năm, lạm phát về dưới 8-8,5% thì lãi suất huy động cũng hạ còn 10%.

Sẽ huy động 300 - 500 tấn vàng trong dân - 1
Theo ước lượng của NHNN, hiện số vàng trong dân còn khá lớn, khoảng 300-500 tấn (ảnh minh họa).

Hôm nay, cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đăng tải trả lời phỏng vấn của Thống đốc Nguyễn Văn Bình với Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Thông tấn xã.

Trong buổi trao đổi này, Thống đốc tiết lộ, thời gian tới, NHNN sẽ trình Chính phủ đề án huy động vàng trong dân để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội

Trước đó, cơ quan này đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định 174 về quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh vàng miếng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 95 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ và vàng.

Các công cụ này, một mặt nhằm ngăn chặn được hiện tượng đầu cơ vàng trong nền kinh tế, bình ổn được thị trường vàng, điều tiết giá vàng trong nước diễn biến phù hợp với giá vàng thế giới. Mặt khác, hướng đến mục tiêu huy động được lượng vàng tương đối lớn trong dân (khoảng 300-500 tấn).

“Nếu chúng ta không huy động được số vàng này trong dân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì đất nước chưa thể mạnh lên được” – Thống đốc nói.

Theo đề án dự kiến trình lên Chính phủ lần này, người đứng đầu NHNN cho hay, các tổ chức tín dụng sẽ làm đại lý cho NHNN trong việc huy động vàng. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các tổ chức trung gian, ở đây là các tổ chức tín dụng.

Mặt khác, với nhiều công cụ khác nhau, ví dụ kinh doanh vàng trên thị trường quốc tế, Nhà nước sẽ bảo hiểm được rủi ro do  biến động của giá vàng thế giới, do đó đảm bảo giá trị tài sản của người dân mà vẫn có thể sử dụng số vàng đó quy đổi thành ngoại tệ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Lãi suất huy động về 10% khi lạm phát cuối 2012 còn 8-8,5%

Khi được hỏi về lộ trình giảm lãi suất, Thống đốc cho biết, hiện nay đã có những tiền đề và nền tảng nhất định cho việc giảm lãi suất với tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm từ tháng 8/2011 đến nay.

Bên cạnh đó, NHNN đang tập trung vào việc xử lý thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nếu xử lý tốt vấn đề này sẽ tạo thêm tiền đề vững chắc hơn cho việc giảm lãi suất trong năm 2012.

Dẫn nhận định của các tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, nếu Việt Nam duy trì các giải pháp quyết liệt như trong năm 2011 thì lạm phát năm 2012 sẽ ở mức 8-8,5%, Thống đốc khẳng định:

“Nếu mục tiêu lạm phát đó đạt được vào cuối năm 2012 thì hệ thống ngân hàng có khả năng để giảm mặt bằng lãi suất huy động xuống mức khoảng 10%/năm”.

Như vậy, trong năm nay, lãi suất cho vay sẽ có xu hướng đi xuống theo các tín hiệu thị trường như mức độ giảm lạm phát và sự cải thiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
 
Biến động của VND không quá 2-3%
 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã cho biết như vậy khi nói về giải pháp để ổn định tỷ giá trong năm 2012. Theo Thống đốc Bình: NHNN sẽ có các giải pháp và công cụ thích hợp để thực hiện được mục tiêu đề ra. Những kết quả đạt được trong năm 2011 là một minh chứng cho thấy, nếu phối hợp một cách đồng bộ, quyết liệt các công cụ của chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác thì chúng ta có thể ổn định được tỷ giá.

Hiện tại, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012. Về cơ bản, Nghị quyết số 01 có nhiều nét tương đồng với Nghị quyết số 11 ban hành trong năm 2011.

“Do đó, những kết quả đáng khích lệ đạt được trong năm 2011 là tiền đề để chúng ta tin tưởng rằng, chúng ta sẽ đạt được những kết quả như vậy trong năm 2012. Nếu không có cú sốc đột biến từ bên ngoài và với việc triển khai quyết liệt các chính sách theo Nghị quyết 01 của Chính phủ thì chúng ta có thể giữ ổn định thị trường ngoại hối, mức biến động hay phá giá của đồng Việt Nam không quá 2 - 3%”, Thống đốc Bình nhấn mạnh. 
 
Nguyễn Hiền
 
Hồng Liên
Theo SBV