Sẽ có cuộc “cách mạng” mạnh mẽ về tiền lương?
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tiền lương hiện chưa thực sự trở thành “động lực” đối với cán bộ, công chức, người lao động. Việc cải cách tiền lương sẽ hướng tới trả lương theo vị trí việc làm và nếu thực hiện thì đây là cuộc cách mạng mạnh mẽ.
Sáng nay (18/10), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công - đã có buổi làm việc với Tòa an Nhân dân tối cao (TANDTC).
Hiện nay, chính sách tiền lương có liên quan đến hơn 8 triệu người trong khối Nhà nước và hàng chục triệu người lao động trong khối sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, sau một số lần điều chỉnh tiền lương cơ sở vẫn thể hiện những hạn chế, bất cập, bất hợp lí.
Trung ương đã bàn và nhất trí ban hành Nghị quyết về một số vấn đề liên quan tới tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tổ chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Trung ương coi đây là tiền đề cơ bản để cải cách chính sách tiền lương.
Tại buổi làm việc với TANDTC, lãnh đạo TANDTC cho hay, từ năm 2004 đến nay, Chính phủ đã điều chỉnh mức lương tối thiểu 10 lần, từ mức 350.000 đồng/tháng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng. Trong quan hệ tiền lương của TAND từ 1,00 - 2,34 - 8,00.
Cũng theo lãnh đạo TANDTC, các khoản thu nhập ngoài lương áp dụng đối với người than gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự, trong đó Thẩm phán chủ tọa phiên tòa được bồi dưỡng 90.000 đồng/ngày, Thẩm phán tham gia Hội đồng xét xử được bồi dưỡng 50.000 đồng/ngày, Thư ký tòa là 35.000 đồng/ngày.
Trước thực trạng nói trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, hiện nay chính sách tiền lương có liên quan đến hơn 8 triệu người trong khối Nhà nước và hàng chục triệu người lao động trong khối sản xuất, kinh doanh. Hệ thống chính sách tiền lương của Việt Nam từ 2004 đến nay đã qua một số lần bổ sung, điều chỉnh, nhưng bản chất trên nền tảng năm 1993.
“Dù đã qua một số lần điều chỉnh tiền lương cơ sở, nhưng vẫn thể hiện những hạn chế, bất cập, bất hợp lí. Tiền lương chưa thực sự trở thành động lực đối với cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống chính trị. Lương chưa trở thành thu nhập chính nên người làm công ăn lương chưa thực sự quan tâm.
Nếu hỏi người lao động lương bao nhiêu thì có thể nói là 5 triệu đồng/tháng, 7 triệu đồng/tháng hay 10 triệu đồng/tháng, nhưng cán bộ công chức khi hỏi lương bao nhiêu thì không trả lời được, không biết mà trả lời vì nó còn có hệ số này hệ số kia... Vào công chức lương thấp nhưng ai cũng muốn vào. ” - Phó Thủ tướng trăn trở.
Đối với ngành toà án, Phó Thủ tướng đánh giá đây là ngành rất đặc thù, là cơ quan duy nhất nhân danh nước Việt Nam để xét xử, thực hành quyền tư pháp. Tuy nhiên, ngoài đồng chí Chánh án có phần khác biệt, còn lại tất cả như một bộ thông thường, vì thế cần sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế để thay đổi tình hình.
Theo lãnh đạo Chính phủ, Đề án cải cách tiền lương đặt ra hướng thực hiện trả lương theo vị trí việc làm. “Nếu trả lương theo vị trí việc làm thì đây là cuộc cách mạng mạnh mẽ, vấn đề quan trọng là xác định vị trí việc làm, điều này sẽ khắc phục được việc chạy đi thi nâng ngạch... Tuy nhiên, việc này hiện tôi cảm thấy chưa rõ rệt” - Phó Thủ tướng nói.
Ở đây, Phó Thủ tướng lưu ý việc nghiên cứu tính toán trả lương theo vị trí việc làm, theo cấp hành chính và tổ chức của toà án. Phụ cấp chức danh đưa vào lương, còn phụ cấp theo ngành, lĩnh vực, khu vực thì phải xem lại.
Trong Đề án của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, Phó Thủ tướng nhấn mạnh “phải có sự thay đổi mang tính chất căn bản, khắc phục những bất cập và bất hợp lí. Phải tôn trọng các nguyên tắc, quy luật khách quan trong tình hình kinh tế thị trường”.
Châu Như Quỳnh