“Cải cách tiền lương không phải chỉ là điều chỉnh lương tối thiểu…”

(Dân trí) - “Cải cách chính sách tiền lương không chỉ đơn thuần là điều chỉnh tiền lương tối thiểu mà còn là điều chỉnh hệ thống chức danh, thang, bảng lương và vấn đề quan trọng nhất là cơ cấu nguồn tiền từ ngân sách để thực hiện…”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công vừa được tổ chức tại Trụ sở Chính phủ.

Trước đó, Thủ tướng đã có Quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 12/2/2017 về thành lập Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban; Phó Trưởng Ban Thường trực là Bộ trưởng Bội Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Hai Phó Trưởng Ban là Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Đời sống người có công đã được cải thiện nhiều trong những năm qua nhưng vẫn còn nhiều người có mức sống dưới trung bình ở nơi cư trú, cá biệt có những người lâm vào tình trạng nghèo khổ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Đời sống người có công đã được cải thiện nhiều trong những năm qua nhưng vẫn còn nhiều người có mức sống dưới trung bình ở nơi cư trú, cá biệt có những người lâm vào tình trạng nghèo khổ

Trong cuộc họp này, Bộ Nội vụ (Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo) đã báo cáo về kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo trong năm 2017 và các năm tiếp theo; kế hoạch nghiên cứu và dự thảo Đề cương Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp. Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH báo cáo Đề cương Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Đề cương Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công.

Việc thực hiện 3 Đề án trên được Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) giao cho Chính phủ chủ trì xây dựng nhằm cải cách, nâng cao chất lượng các chính sách an sinh xã hội quan trọng này, vốn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân trong thời gian qua.

Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá: Việc cải cách chính sách tiền lương không chỉ đơn thuần là điều chỉnh tiền lương tối thiểu mà còn là điều chỉnh hệ thống chức danh, thang, bảng lương và vấn đề quan trọng nhất là cơ cấu nguồn tiền từ ngân sách để thực hiện. Nội dung này cũng liên quan tới việc đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp (khu vực đang có 2,1 triệu viên chức đang làm việc).

Về chính sách người có công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đời sống người có công đã được cải thiện nhiều trong những năm qua nhưng vẫn còn nhiều người có mức sống dưới trung bình ở nơi cư trú, cá biệt có những người lâm vào tình trạng nghèo khổ. Trong khi đó, các chính sách về bảo hiểm xã hội cũng cần tính toán, thay đổi mạnh mẽ để tăng cường tính ổn định và hiệu quả chi trả của Quỹ Bảo hiểm xã hội- một lưới an sinh quan trọng của Nhà nước.

Vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đang được xúc tiến tích cực (ảnh: HNM)
Vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đang được xúc tiến tích cực (ảnh: HNM)

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Nội vụ và Bộ LĐTB&XH chủ trì thực hiện các Đề án như đã nêu và đề nghị Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phải trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện các Đề án do Bộ mình phụ trách.

Do đây là các vấn đề khó và phức tạp, Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo, các bộ tích cực hoàn thiện Đề án, tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến về các Đề án, kể cả hội thảo trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, tận dụng ý kiến của các chuyên gia đã về hưu nhưng am hiểu sâu sắc về thực tiễn và các quá trình hình thành chính sách.

Được biết, sau khi Chính phủ hoàn thiện xong 3 Đề cương này sẽ báo cáo tới Bộ Chính trị để trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) vào năm 2018 để thảo luận, thông qua Nghị quyết về các nội dung trên.

Châu Như Quỳnh