SCIC vẫn chưa chịu "nhả" những "con gà đẻ trứng vàng"

(Dân trí) - Trong danh sách bán vốn của SCIC năm nay có FPT và Sa Giang, nhưng vắng bóng những tên tuổi vốn đang được giới đầu tư chờ đợi là Vinamilk, FPT Telecom hay Bảo hiểm Bảo Minh, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Tái bảo hiểm quốc gia...

Những bom tấn về thoái vốn vẫn chưa có trong kế hoạch của SCIC năm nay
Những "bom tấn" về thoái vốn vẫn chưa có trong kế hoạch của SCIC năm nay

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố kế hoạch bán vốn năm 2016. Theo đó, trong năm nay, "siêu công ty" này dự kiến sẽ bán vốn tại 120 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên tổng số 197 doanh nghiệp mà SCIC đang đại diện cho vốn nhà nước tính đến thời điểm 31/12/2015.

Trong danh sách này có một số doanh nghiệp đáng chú ý như Công ty Cổ phần FPT. Hiện SCIC đang nắm giữ 6% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này với vốn Nhà nước là 239,2 tỷ đồng (khoảng 23,9 triệu cổ phần).

FPT và Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang (mã chứng khoán là SGC) là hai doanh nghiệp mà SCIC phải bán vốn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1787 ngày 8/10/2015. Phần vốn nhà nước tại Sa Giang là 35,6 tỷ đồng (khoảng 3,56 triệu cổ phần), tương ứng với 50% vốn điều lệ công ty.

Hiện thị giá của FPT trên thị trường là 40.800 đồng/cp (theo giá đóng cửa ngày 31/5/2016) và giá của cổ phiếu SGC là 39.600 đồng/cp. Như vậy, với quy mô thoái vốn tại hai doanh nghiệp này, SCIC có thể sẽ thu về hơn 975 tỷ đồng từ phần vốn thoái khỏi FPT và 141 tỷ đồng từ phần vốn thoái khỏi SGC.

Trong danh sách này không có những cái tên vốn được coi là "con gà đẻ trứng vàng" mà nhà đầu tư đang chờ đợi là Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM), Bảo hiểm Bảo Minh (BMC), FPT Telecom; Nhựa Tiền Phong (NTP), Nhựa Bình Minh (BMP), Công ty Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Công ty Cơ khí và khoáng sản Hà Giang (HGM), Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VNR).

Đây là 8 doanh nghiệp trong số 10 doanh nghiệp mà SCIC đã được giao phải thoái vốn theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 10/2015, ngoài FPT và SGC đã đề cập ở trên. Ước tính giá trị thoái vốn tại 10 doanh nghiệp có thể lên tới 3,5 tỷ USD.

Hiện SCIC đang đại diện cho 5.410 tỷ đồng vốn nhà nước (45% vốn điều lệ) tại Vinamilk ; 230 tỷ đồng vốn nhà nước (37% vốn điều lệ) tại Nhựa Tiền Phong; 625 tỷ đồng vốn nhà nước (50% vốn điều lệ) tại FPT Telecom; 421 tỷ đồng vốn nhà nước (51% vốn điều lệ) tại Bảo Minh; 529 tỷ đồng vốn nhà nước (40% vốn điều lệ) tại VNR;...

Tuy nhiên, trong danh sách thoái vốn lần này của SCIC có một số doanh nghiệp đáng chú ý là Tổng công ty CP Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Vinaconex (vốn nhà nước 2.552,5 tỷ đồng, chiếm 58% vốn điều lệ); Công ty CP Điện tử và Tin học (vốn nhà nước 385,3 tỷ đồng, chiếm 88% vốn điều lệ); Ngân hàng TMCP Hàng Hải (24 tỷ đồng, chiếm 0,3% vốn điều lệ); Nhiệt điện Phả Lại (627 triệu đồng, chiếm 0,02% vốn điều lệ); Vinacontrol (31,5 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ)...

Bích Diệp

SCIC vẫn chưa chịu "nhả" những "con gà đẻ trứng vàng" - 2