Sáu tồn tại trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc

Có ý kiến cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn lệ thuộc các khoản viện trợ nước ngoài như ODA, FDI,... hay các nguồn hàng xuất, nhập khẩu đều phụ thuộc Trung Quốc, Chính phủ cần có chính sách quản lý, điều hành kinh kế không quá phụ thuộc một khu vực hay một quốc gia.

Đó là vấn đề cử tri quan tâm được Ban dân nguyện tập hợp trong bản trả lời kiến nghị cử tri.

Trả lời cử tri, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: Trong những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ ngành liên quan thường xuyên đánh giá tình hình thu hút và sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển (trong đó có ODA và FDI), các yếu tố ảnh hưởng đến cơ cấu xuất nhập khẩu theo đối tác (trong đó có Trung Quốc), trên cơ sở đó hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc nói riêng.


Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vay vốn Trung Quốc.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vay vốn Trung Quốc.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số tồn tại, hạn chế trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc đã được nhìn nhận thấu đáo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra 6 điểm tồn tại, hạn chế này.

Thứ nhất, Việt Nam vẫn chịu thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Mức thâm hụt dù đã giảm trong thời gian gần đây, song đà giảm chưa có tính bền vững.

Thứ hai, những năm gần đây xuất hiện hiện tượng ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước câu kết với doanh nghiệp Trung Quốc làm giả xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa Trung Quốc.

Thứ ba, thống kê thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc không đầy đủ, thiếu kịp thời và chi tiết. Hạn chế về thống kê đã hạn chế đáng kể khả năng đánh giá, điều chỉnh chính sách thương mại kịp thời của Việt Nam với Trung Quốc.

Thứ tư, phương thức thu mua của đối tác Trung Quốc có biến động đáng kể và đảo chiều tương đối nhanh tại một số thời điểm, ảnh hưởng đến cung - cầu và khai thác bền vững một số mặt hàng và/hoặc tại một số địa phương.

Thứ năm, chất lượng các dự án FDI từ Trung Quốc chưa cao, khó đáp ứng được yêu cầu phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn.

Thứ sáu, các dự án sử dụng ODA và vốn chính thức khác từ Trung Quốc chưa giúp cải thiện đáng kể năng lực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các đối tác Việt Nam nói riêng.

Để xử lý các tồn tại, hạn chế nói trên, bên cạnh các giải pháp chung về ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Chính phủ đang và sẽ thực hiện một số nhóm giải pháp.

Trước hết là cải thiện quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc . Nghiên cứu, đánh giá các kịch bản về căng thẳng thương mại giữa các đối tác lớn, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, để có các giải pháp ứng phó phù hợp. Thường xuyên theo dõi, đánh giá yêu cầu chất lượng của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu. Nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản mà hiện nay ta còn xuất khẩu ở dạng thô hoặc chế biến chưa sâu trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa.

Đối với một số mặt hàng cụ thể, có thể khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thông thoáng các hoạt động xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp chủ động chuyển hướng nhập khẩu thay thế một số mặt hàng trong nhóm này từ các thị trường khác, qua đó hạn chế một phần nhập siêu từ Trung Quốc, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng cường hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài. Ưu tiên thu hút các dự án FDI phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp trọng điểm ở Việt Nam. Nghiên cứu các biện pháp, cơ chế chính sách nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện của các dự án FDI, xúc tiến, tạo liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp tư nhân.

"Tăng cường hiệu quả thu hút, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài,... giảm ưu tiên cho các dự án đòi hỏi sự tham gia quá nhiều của nhà thầu nước ngoài, đặc biệt là qua hợp đồng EPC", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ý kiến.

Theo: Lương Bằng

Vietnamnet