Sau thời gian "ngủ đông", ngân hàng Việt "phá băng" thẻ tín dụng nội địa

An Hạ

(Dân trí) - Được đánh giá là thị trường "rất tiềm năng" nhưng các tổ chức thẻ quốc tế như Master Card, Visa, JCB... đang chiếm gần phần lớn thị phần, trong khi thẻ tín dụng nội địa còn rất ít.

Theo số liệu Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam từ năm 2017 đến năm 2020, tổng số lượng thẻ tín dụng nội địa do các ngân hàng phát hành (chưa tuân theo tiêu chuẩn cơ sở thẻ chip nội địa của Ngân hàng Nhà nước) tăng trưởng âm 10% về số lượng thẻ đang lưu hành (thẻ đang hoạt động giảm, thẻ "ngủ đông" tăng) và tăng trưởng âm 36% về số lượng phát hành mới.

Tổng doanh số sử dụng thẻ tín dụng nội địa tăng trưởng 25%. Trong đó, tổng doanh số thanh toán thẻ tăng trưởng 132%, tổng doanh số rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng nội địa tại ATM tăng trưởng âm 1%. Theo đánh giá của giới chuyên gia, các số liệu này thể hiện đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước về giảm rút tiền mặt tại ATM, tăng giao dịch thanh toán.

Khảo sát thị trường hiện nay cho thấy, các tổ chức thẻ quốc tế như Master Card, Visa, JCB... đang chiếm gần phần lớn thị phần, trong khi thẻ tín dụng nội địa còn rất ít. Theo các dữ liệu thống kê, việc sử dụng thẻ tín dụng nội địa tại các nước phát triển chiếm khoảng 50% trong tổng lượng thẻ các ngân hàng phát hành.

Sau thời gian ngủ đông, ngân hàng Việt phá băng thẻ tín dụng nội địa - 1
Thẻ tín dụng nội địa dùng để thanh toán trong nước (ảnh minh họa)

Trong bối cảnh này, Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) đang nỗ lực để trong 2 năm tới số lượng thẻ nội địa được sử dụng tại Việt Nam sẽ đạt 15-20% tổng số thẻ các ngân hàng phát hành.

Theo ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam, trong tháng 1 này, Napas sẽ phối hợp với 7 ngân hàng như: ACB, Viet Capital Bank, VietinBank, Sacombank, BaoVietBank, HDBank và Vietbank chính thức ra mắt thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa. Khách hàng từ bây giờ có thể phát hành thẻ tín dụng tại các ngân hàng/tổ chức thành viên của Napas nói trên.

Trong tương lai gần (năm 2021) các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Agribank, VPBank và các công ty tài chính như FE Credit, Vietcredit, FCCOM,.. cũng sẽ phát hành thẻ tín dụng nội địa theo Tiêu chuẩn VCCS (tiêu chuẩn do Ngân hàng Nhà nước ban hành, tuân thủ/kế thừa tiêu chuẩn quốc tế EMV) để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

"Ở nhiều quốc gia phát triển, sử dụng thẻ tín dụng nội địa của họ chiếm tỉ lệ phần lớn, đến 50% số thẻ phát hành tại quốc gia đó; chứ không phải sử dụng thẻ tín dụng quốc tế của các tổ chức quốc tế khác như Visa, Mastercard. Việt Nam đang phấn đấu trong 2 năm tới sử dụng thẻ tín dụng nội địa chiếm 15-20%," ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, các thẻ tín dụng trong nước sẽ nhắm đến tập khách hàng có thu nhập trung bình/thấp, cung cấp công cụ chi tiêu tiêu dùng dựa trên tín chấp. Mục đích quan trọng nữa là mở rộng khả năng tiếp cận với các sản phẩm thẻ tín dụng cho một bộ phận khách hàng có thu nhập thấp hơn, cung cấp một nguồn tiền tiêu dùng từ tín chấp, đẩy lùi tín dụng đen.

Một điểm quan trọng của thẻ tín dụng trong nước so với thẻ tín dụng quốc tế đó là mức phí ưu đãi hơn. Chủ thẻ sẽ không phải trả phí khi thực hiện các giao dịch thanh toán (trừ giao dịch rút tiền) từ thẻ tín dụng. Đối với các giao dịch thanh toán, phí giao dịch sẽ ở mức từ 1,1% - 1,3% giá trị giao dịch, thấp hơn so với các thương hiệu thẻ khác. Mức thu 1,1% - 1,3% đó bao gồm 0,6% - 0,8% phí interchange trả cho ngân hàng phát hành thẻ, còn lại là trả cho ngân hàng chấp nhận và tổ chức chuyển mạch thẻ, trong đó tổ chức chuyển mạch thẻ (Napas) thu 0,05% giá trị giao dịch.

Đối với giao dịch rút tiền mặt, mức phí dự kiến từ 1 - 2% giá trị giao dịch (mức thu tối thiểu từ 10.000 đồng - 20.000 đồng, thấp hơn nhiều so với mức phí khoảng 4% giá trị giao dịch hoặc tối thiểu 50.000 đồng của các thẻ khác hiện nay.