Nhiều nhà đầu tư quan tâm DN cổ phần hóa chỉ vì đất "vàng", "kim cương"

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Thời gian qua nhiều nhà đầu tư quan tâm đến doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ vì các khu đất "vàng", "kim cương" do các đơn vị này nắm giữ. Qua các cuộc kiểm toán đã chỉ ra được một số vấn đề sai phạm.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cho biết như vậy khi tham luận tại Hội thảo "Kiểm toán đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ" vừa diễn ra tại Hà Nội.

Cụ thể, trong tham luận về vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong nâng cao hiệu quả công tác quản lý phần vốn Nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, ông Nguyễn Hồng Long cho biết, Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm tra tính chính xác của kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, giúp ngăn chặn nguy cơ thất thoát vốn Nhà nước đầu tư do bị định giá thấp.

Nhiều nhà đầu tư quan tâm DN cổ phần hóa chỉ vì đất vàng, kim cương - 1

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (Ảnh: KTNN).

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Long, giai đoạn hậu cổ phần hóa cũng còn nhiều sai sót, tồn tại cả về xử lý tài chính cũng như việc quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là đất đai. Đất đai là lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, sử dụng sai mục đích, đặc biệt khi liên quan đến cổ phần hóa.

Ông Nguyễn Hồng Long dẫn chứng, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ vì các khu đất "vàng", "kim cương" do các đơn vị này nắm giữ. Qua các cuộc kiểm toán đã chỉ ra được một số vấn đề sai phạm từ cả phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cũng đề cập đến một số tồn tại khi tổng kết đánh giá sau cổ phần hóa, cụ thể hiện chưa có bức tranh tổng thể tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Do vậy theo ông Long, chưa có đánh giá tổng thể về các mục tiêu sau cổ phần hóa có được thực hiện hay không, đặc biệt như sử dụng tài sản, đất đai sau cổ phần hóa; việc sử dụng lao động sau cổ phần hóa…

Bên cạnh đó, rất khó khăn trong tiếp cận các DNNN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ để đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nêu kiến nghị, ông Nguyễn Hồng Long cho rằng cần hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai, đặc biệt quy định chặt chẽ, siết chặt việc quản lý các loại đất, phát huy hiệu quả sử dụng đất. Kiểm toán Nhà nước kiểm tra các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa về việc kiểm toán giá trị DN; xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về DNNN, tài sản Nhà nước để kiểm soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa…

Theo thống kê từ khi Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 có hiệu lực đến 30/6/2022, đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước dưới 50%, KTNN đã thực hiện kiểm toán và phát hành 6 cuộc kiểm toán độc lập và 23 cuộc kiểm toán các công ty liên kết lồng ghép với kiểm toán BCTC Công ty mẹ - các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Qua đó tổng kiến nghị tăng thu NSNN 89 tỷ đồng. Chủ yếu là các khoản thu do sai sót trong kê khai, xác định thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, tiền thuê đất… các đơn vị chưa thực hiện đúng theo các quy định của Luật thuế và các quy định của Nhà nước có liên quan.

Vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí, sử dụng vốn không hiệu quả

Bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, cũng chỉ ra, hiện nay, việc quản lý vốn Nhà nước tại các DNNN còn bất cập, hệ thống các văn bản chế độ quản lý tài chính của Nhà nước chưa chú ý quan tâm điều chỉnh nhiều đến loại hình doanh nghiệp này, vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí, sử dụng vốn không hiệu quả, gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

Cụ thể như việc xác định vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đang còn có nhiều cách hiểu khác nhau và được quy định tại nhiều Luật, chưa có sự thống nhất; chưa đảm bảo được yêu cầu về sự tách bạch giữa quyền sở hữu vốn và quyền quản lý, giám sát vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tính khách quan, minh bạch trong hoạt động giám sát của chủ sở hữu với giám sát của quản lý Nhà nước.

Ngoài ra, việc giám sát, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước còn nhiều hạn chế, có sự can thiệp hành chính vào quản lý, điều hành của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, thẩm quyền, trình tự, thủ tục liên quan việc đầu tư, xây dựng cũng như đầu tư ra nước ngoài, liên doanh, liên kết còn nhiều kẽ hở, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; quy định về quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều vướng mắc, chênh lệch lớn giữa khung giá do Nhà nước quy định và giá thị trường là nguyên nhân dẫn đến nhiều tiêu cực.

"Những vướng mắc, bất cập trên đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của các DNNN. Ngoài ra, việc thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra độc lập cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng sử dụng vốn, tài sản không đúng mục đích, không hiệu quả", Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết.