1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Sau 4 năm, nhập siêu từ Trung Quốc tăng 2,3 lần

(Dân trí) - Nhập siêu từ Trung Quốc 10 tháng gần bằng nhập siêu cả năm 2013 của Việt Nam từ thị trường này, trung bình mỗi tháng nhập siêu 2,31 tỷ USD. Tổng cục Hải Quan dự báo nhập siêu từ Trung Quốc cả năm 2014 có thể lên tới con số kỷ lục 27 tỷ USD.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
Theo thống kê về tình hình xuất nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập siêu 23,1 tỷ USD từ Trung Quốc (xuất khẩu đạt 12,5 tỷ USD, trong khi nhập khẩu là 35,6 tỷ USD). 

Đáng chú ý, 10 tháng đầu năm 2014, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc chỉ kém 600 triệu USD là bằng nhập siêu cả năm 2013 (23,7 tỷ USD).
 
Mức thâm hụt thương mại ngày càng lớn cho thấy nhiều ngành, lĩnh vực của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu và thiết bị của Trung Quốc, mặc dù năm 2014 có nhiều diễn biến không thuận cho thương mại song phương, đặc biệt việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép Giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy nhiên số liệu nhập siêu vẫn bằng hoặc lớn hơn mọi năm.

Trong khi nhập siêu tăng nhanh, thì xuất khẩu lại chững lại. 10 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 12,5 tỷ USD, trong khi xuất khẩu cả năm 2013 của Việt Nam vào Trung Quốc đạt 13,1 tỷ USD, bằng 95% giá trị xuất khẩu của năm 2013.

Dự báo, từ nay đến tết nguyên đán 2014, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc sẽ tăng, đặc biệt là nhập khẩu các mặt hàng như quần áo, hàng tiêu dùng, rau củ quả, các mặt hàng thực phẩm…
 
Như vậy, với các số liệu đã công bố, từ tháng 1/2010, khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực, đến thời điểm này, tốc độ tăng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng 1,9 lần và tốc độ tăng nhập siêu gấp 2,3 lần sau 4 năm hội nhập.

N

Năm 2014, Việt Nam thâm hụt cán cân thương mại lớn với Trung Quốc, ước tính khoảng 27 tỷ USD

Con số nhập siêu cao từ thị trường này cho thấy nhiều ngành, lĩnh vực của Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu sản xuất dù năm 2014 có nhiều yếu tố không thuận cho xuất và nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Theo Bộ Công Thương, nhập khẩu Trung Quốc tăng trong thời gian qua chủ yếu là do nhập khẩu từ bộ phận doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) lớn. Mặc dù khu vực này có xuất siêu 10 tháng đầu năm 13.6 tỷ USD (xuất khẩu 82,5 tỷ USD, nhập khẩu 68,7 tỷ USD) nhưng lượng nhập khẩu lớn chiếm hơn 56,6% tổng giá trị nhập khẩu cả nước.

Tổng cục Hải Quan ước tính, 7 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã đạt trị giá trên 1 tỉ USD, gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác (5,7 tỉ USD); điện thoại các loại và linh kiện (4,5 tỉ USD); vải các loại (3,4 tỉ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (3,3 tỉ USD); sắt thép các loại (2,5 tỉ USD); xăng dầu các loại (1,16 tỉ USD); nguyên phụ liệu dệt may da giày (1,1 tỉ USD).

Đây là minh chứng cho thấy dù xuất khẩu tăng nhưng giá trị gia tăng không cao, các doanh nghiệp gia công thấp và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu lớn, đặc biệt là hàng điện tử, linh kiện điện tử, nguyên liệu dệt may, da giày Trung Quốc vẫn chiếm số lượng lớn.

Trong khi đó theo thống kê, số lượng nhập khẩu và nhập ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc tăng mạnh. 8 tháng đầu năm nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (xe tải, xe chở hàng) từ Trung Quốc tăng 187% so với cùng kỳ, đạt 7.000 chiếc, chiếm 18,7% tổng xe nhập khẩu và chiếm hơn 60% lượng xe tải được nhập về Việt nam.

Dự báo, cả năm 2014, nhập siêu từ Trung Quốc sẽ đạt 27 tỷ USD - mức cao nhất so với các năm trở lại đây - bất chấp việc nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang nhập khẩu các linh phụ kiện với các đối tác ở ASEAN và các nước khác ngoài Trung Quốc.

Nguyễn Tuyền 
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”