Sau 3 ông lớn, ngân hàng Big 4 cuối cùng bước vào cuộc đua lãi suất

Thảo Thu

(Dân trí) - Cuối cùng thì Big 4 thứ tư đã điều chỉnh lãi suất huy động. Khác với các ngân hàng thương mại cổ phần chủ yếu tăng ở kỳ hạn ngắn, nhóm 4 ngân hàng quốc doanh lại tăng mạnh lãi suất ở cả kỳ hạn dài.

BIDV trở thành ngân hàng cuối cùng trong nhóm Big 4 (4 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn nhất) nâng lãi suất huy động. Kể từ tháng 6, đây là lần thứ hai ngân hàng này nâng lãi suất.

Ở lần điều chỉnh biểu lãi suất này, với các khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng cá nhân, BIDV vẫn duy trì mức lãi suất 0,1%/năm. Từ kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng, mức lãi suất mới đã tăng 1% so với trước đó, lần lượt ở mức 4,1%/năm và 4,4%/năm.

Ngân hàngKỳ hạn huy độngLãi suất cũ (%/năm)Lãi suất mới (%/năm)
BIDVKhông kỳ hạn0,10,1
 1-5 tháng3,1-3,44,1-4,4
 6-9 tháng44,7-4,8
 12 tháng trở lên5,4-5,66,4%

Ở kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, mức lãi suất khách hàng cá nhân gửi tiền vào BIDV nhận được tăng 0,7%, đạt tương ứng là 4,7%/năm và 4,8%/năm.

Tiền gửi kỳ hạn gửi từ 12 tháng trở lên đang được nhà băng này chi trả lãi suất 6,4%/năm, tăng 0,8% so với trước điều chỉnh.

Khác với các ngân hàng tư nhân chủ yếu tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn theo mức trần Ngân hàng Nhà nước quy định từ hôm 23/9, nhóm 4 ngân hàng quốc doanh lại tăng mạnh lãi suất áp dụng với cả các kỳ hạn dài 12 tháng trở lên. Lãi suất tiền gửi từ 12 tháng trở lên tại nhóm Big 4 cùng ở mức 6,4%/năm.

Việc tăng mạnh lãi suất huy động có thể giúp khách hàng cá nhân gửi tiền mạnh hơn vào ngân hàng. Lãi suất tiền gửi thực tế đã tăng trở lại kể từ tháng 5, theo VNDirect. Điều này khiến lượng tiền gửi chảy ồ ạt vào ngân hàng. Số liệu Ngân hàng Nhà nước cho thấy riêng tháng 6 năm nay, người dân đã gửi thêm gần 50.470 tỷ đồng vào ngân hàng, trong khi nhóm khách hàng tổ chức, doanh nghiệp cũng gửi thêm gần 42.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh biểu lãi suất huy động lần này cũng gây ra lo ngại lãi suất cho vay sẽ sớm tăng theo.

Sau 3 ông lớn, ngân hàng Big 4 cuối cùng bước vào cuộc đua lãi suất - 1

Việc điều chỉnh biểu lãi suất huy động gây ra lo ngại lãi suất cho vay sẽ sớm tăng theo (Ảnh: Mạnh Quân).

Tuy nhiên, theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, vẫn có thể lạc quan khi Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 22/9 đã chỉ đạo phải giữ ổn định lãi vay.

"Cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp", ông Thành nói. Việc này cũng phù hợp mục tiêu linh hoạt cơ cấu tín dụng mà vẫn giữ nguyên mức tăng trưởng 14% cho năm nay.

Ngoài ra, trong cuộc họp mới đây, Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết dù không điều hành lãi vay vì đó là thỏa thuận giữa ngân hàng và người vay nhưng sẽ vận động các nhà băng giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.