Sát Tết, 1000 đồng/ lá dong vàng úa, người dân bấm bụng mua gói bánh
(Dân trí) - Cận Tết, lá dong bỗng khan hiếm do nguồn cung không đủ cầu, thương lái vào tận vườn cắt nốt những tấm lá bé mà trước đó đã trừ ra. Ngoài chợ, lá dong cũng lên cơn sốt khi lên hơn 1.000 đồng/lá, thậm chí lá vàng úa nhưng vẫn không đủ bán cho khách.
Tại huyện Yên Thành (Nghệ An), kể từ ngày 28 tháng Chạp, các nguồn cung ứng lá dong cho người dân đã dần cạn kiệt. Chính vì lượng hàng có hạn nên từ sáng ngày 28 xuất hiện tình trạng khan hiếm lá dong, đẩy giá tăng gấp đôi so với trước đó.
Chị Nguyễn Thị Tình (xã Xuân Thành, Yên Thành) do có việc bận nên mãi tận hôm nay mới về quê, định đi chợ mua lá dong, thịt lợn về gói bánh chưng. Tuy nhiên dạo khắp chợ, chỉ có vài người bán lá dong. “Lá xấu, rách, nhỏ, thậm chí vàng úa nhưng họ bảo 20 nghìn/bó loại 20 lá. Thậm chí có hàng còn “hét” 30 nghìn đồng/bó, tính ra là đến 1.500 đồng/lá dong.
Người bán ít, người mua lại nhiều nên dù đắt, dù lá xấu nhưng cũng phải bấm bụng mà mua. Nhà chị gói 10kg nếp, 2kg đậu, 2kg thịt, vị chi cần đến gần 100 lá dong, tính riêng tiền lá đã mất gần 150 nghìn đồng rồi”.
Bà Nguyễn Thị Kiếng (xã Thịnh Thành, Yên Thành) cũng mua 50 lá với giá 1.500 đồng/lá. “Đắt nhưng không mua thì phải gói là chuối. Mà gói lá chuối, bánh không xanh và thơm như lá dong được nên đắt cũng phải mua”, bà Kiếng nói.
Chị Đặng Thị Hường (xã Trung Thành, Yên Thành) nói: “Chỉ mấy ngày trước, lá dong bán 10 nghìn 1 bó loại 20 lá, loại bé hơn một chút thì 15 nghìn/bó 40 lá. Vậy mà sáng nay, lá dong tăng vọt lên 20 nghìn/1 bó, tính ra là 1.000 đồng/lá nhưng không có mà bán”.
Do nguồn hàng khan hiếm nên sau khi bán hết, chị Hường về nhà, huy động lá dong trong vườn anh em hoặc hàng xóm. Loại lá bé trước đây chị chê không mua nhưng hiện nay được cắt sạch để mang ra kịp buổi chợ chiều. Chưa mang ra đến chợ, số lá này cũng được người dân tranh nhau mua bởi không còn nhiều lựa chọn.
Không giống như thành phố Vinh hay thị xã Cửa Lò, nguồn lá dong được lấy từ các huyện miền ngược về, người dân Yên Thành vốn có thói quen sử dụng lá “nội địa”, hái từ vườn của người dân. Bởi vậy, nguồn cung phục vụ nhu cầu người dân trong huyện vào dịp Tết Nguyên đán phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung tại chỗ.
“Lá dong mọc sẵn ở vườn, cũng không được chăm sóc chu đáo nên giống thoái hóa, lá ít mà nhỏ chứ không to như lá dong hái trong rừng. Thêm vào đó, đợt vừa qua, lá dong trong dân được thu mua để gói bánh chưng cưới (phong tục cưới ở Yên Thành thường gói bánh chưng thay cho dọn cơm như các vùng khác – PV) nên đến Tết cũng không có hàng. Từ ngày mai, cũng không còn lá để bán nữa”, chị Hường lí giải.
Hoàng Lam