Độc đáo ngôi làng 600 năm tuổi trồng lá dong gói bánh chưng

Những ngày này, người dân thôn Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội) lại tất bật thu hoạch lá dong phục vụ nhu cầu gói bánh chưng ngày Tết.

Đã có những lúc tưởng như lá dong, loại lá dùng để gói bánh chưng sẽ biến mất khỏi ngôi làng cổ hơn 600 năm tuổi. Cách đây 5 năm, lúc chúng tôi đến với vùng đất ven đô này, đất trồng lá dong xưa kia của hàng chục đời cha ông phải nhường cho cây cam. Thế nhưng, hôm nay trở lại, cây dong vẫn có sức sống mãnh liệt, đặc biệt khi Tết gần đến.

Từ lâu làng lá dong thôn Tràng Cát nổi tiếng khắp nơi. Năm nay thời tiết thuận lợi cho cây dong. Lá dong Tràng Cát được mùa, bạt ngàn một mày màu xanh đậm. Tràng Cát, mảnh đất hàng trăm năm nổi tiếng trồng thứ lá dong đặc biệt để gói bánh chưng ở đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến.

Theo thần tích địa phương, vị tổ khai sáng làng trồng lá dong là cụ Đàn Sú đã lập làng cách đây 6 thế kỷ. Lá dong Tràng Cát xưa kia thường được tuyển chọn để gói bánh chưng dâng vua. Ban đầu người dân trồng lá dong trong vườn nhà, đến năm 1992, khi Nhà nước áp dụng chính sách đất đai mới, bà con bắt đầu chuyển diện tích trồng lúa, rau màu kém hiệu quả sang trồng cây lá dong, do đó diện tích trồng lá dong tăng đáng kể.

Đã có thời điểm toàn bộ các hộ trong thôn Tràng Cát đều trồng cây lá dong, mỗi hộ từ 1 đến 2 sào, có hộ trồng tới 6-7 sào.

Tràng Cát vào mùa thu hoạch lá dong. Ảnh: HP
Tràng Cát vào mùa thu hoạch lá dong. Ảnh: HP

Lá dong ở Tràng Cát khác với các loại lá dong rừng và vùng khác. Lá thường to tròn và dai, mặt dưới của lá có màu xanh non, cuống lá dài và đồng màu với gân lá. Nếu dùng lá để gói bánh chưng sẽ cho bánh màu xanh tự nhiên rất đẹp mắt và có vị thơm hấp dẫn sau khi luộc chín.

Nhiều người dân trong thôn Tràng Cát cho biết, lá dong ở Tràng Cát có vị thơm đặc trưng do được trồng trên vùng đất bãi bồi của sông Đáy. Trồng lá dong không mất nhiều công sức, chỉ cần lấy gốc cây trồng một lần nhưng thu hoạch nhiều năm và được thu hoạch quanh năm, bà con có thêm thu nhập những lúc nông nhàn.

Anh Lê Văn Khương người trồng lá dong nhiều năm cho biết: “Trồng lá dong dễ, chăm dễ và không lo mất mùa hay được mùa. Những năm vừa qua, những nương cam cho hiệu quả kinh tế hơn hàng chục lần. Tuy nhiên, người Tràng Cát nói riêng và toàn xã Kim An nói chung vẫn không bỏ hẳn cây dong. Có chăng, chỉ thu nhỏ diện tích. Nhưng những ngày này, những đoàn xe tấp nập vào làng, không chỉ chở cam mà còn là lá dong. Lá dong chúng tôi đi khắp Hà Nội và các tỉnh lân cận”.

Bạt ngàn lá dong. Ảnh: HP
Bạt ngàn lá dong. Ảnh: HP

Thời điểm trước Tết Nguyên đán, một bó lá dong (100 lá) có giá giao động từ 70.000 đồng đến 80.000 đồng, đến cận Tết khi nhu cầu cao hơn lá dong tăng lên đến 100.000 đồng/bó. Nhưng năm nay, một bó lá dong (100 lá) đang có giá từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng. Nhiều hộ ở trong làng đang đợi đến những ngày giáp Tết để bán cho được giá. Những lá to đẹp nhất gọi là “lá lọc” bán khoảng 150.000 đồng/100 lá.

Là niềm tự hào của thôn, lá dong Tràng Cát không những nổi tiếng trong nước mà còn ra cả nước ngoài. Từ năm 2007, lá dong Tràng Cát đã xuất ngoại phục vụ nhu cầu Tết của bà con Việt Nam ở Mỹ, Nga và các nước Đông Âu.

Gia đình ông Nguyễn Kim Ghi nhiều năm nay xuất lá dong ra nước ngoài. Dịp sát Tết, ông Ghi cũng “xuất khẩu” vài vạn lá. Ngày thường, những gia đình trồng lá dong với diện tích lớn như ông Ghi xuất khoảng 3 - 4 vạn lá dong cho thương lái đi khắp nơi trong toàn quốc.

Những bó lá dong đã được xếp cẩn thận chờ thương lái xuất đi mọi miền đất nước. Ảnh: HP
Những bó lá dong đã được xếp cẩn thận chờ thương lái xuất đi mọi miền đất nước. Ảnh: HP

Lá dong dẫu không phải cho thu nhập lớn song là “phần hồn” không thể thiếu của những chiếc bánh chưng ngày Tết của dân tộc và là một thứ “đặc sản” của Tràng Cát. Bởi, từ bao lâu nay, người xứ Bắc vẫn coi Tràng Cát là “thủ phủ lá dong”, những con người và cánh đồng lá dong là nơi khởi nguồn làm nên “phần hồn” ấy.

Những ngày cận Tết này, người người hồ hởi thu hoạch loại lá đặc biệt này. Ngôi làng Tràng Cát lại tấp nập kẻ vào người ra.

Theo H.Phương/Báo Gia đình xã hội