1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Sáp nhập VVF, SHB lập công ty tài chính tiêu dùng 1.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu trong giao dịch sáp nhập giữa SHB và VVF là 1:1, qua đó sẽ có một công ty tài chính tiêu dùng vốn 1.000 tỷ đồng ra đời.

Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) vừa công bố Đề án nhận sáp nhập Công ty Tài chính Vinaconex - Viettel (VVF). Ngày 24/10 tới, ngân hàng này sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua đề án sáp nhập này.

Theo đề án, vốn điều lệ của SHB tăng 1.000 tỷ đồng sau sáp nhập, chính bằng số vốn trước đó của VVF. Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:1 (tức 1 cổ phần của VVF sẽ được hoán đổi 1 cổ phần SHB).

Giao dịch sáp nhập sẽ được thực hiện thông qua việc hoán đổi các cổ phần của VVF và SHB. Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành cổ phần theo quy định của pháp luật và sử dụng số cổ phần này để hoá đổi lấy toàn bộ số cổ phần đang lưu hành của công ty tài chính.

 


Thị trường cho vay tiêu dùng hút các ngân hàng.

Thị trường cho vay tiêu dùng "hút" các ngân hàng.

 

Dự thảo hợp đồng sáp nhập cho thấy, VVF sẽ sáp nhập vào SHB bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang SHB và VVF sẽ chấm dứt sự tồn tại kể từ ngày sáp nhập.

Theo dự kiến, năm 2015, ngân hàng sau sáp nhập sẽ đạt 200.000 tỷ đồng tổng tài sản, 1.120 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận sau đó sẽ tăng lên 1.391 tỷ và 1.596 tỷ đồng vào năm 2016 và 2017. Lũy kế 9 tháng đầu năm SHB lãi trước thuế 727,6 tỷ đồng.

Sau khi thực hiện sáp nhập VVF, ngân hàng này sẽ có vốn điều lệ 10.486 tỷ đồng và một cổ đông lớn duy nhất là Công ty CP Tập đoàn T&T.

Từ năm 2012 đến trước khi sáp nhập về SHB, tỷ lệ nợ xấu của VVF đều cao trên hai chữ số (cao nhất là năm 2014 lên tới 70,12%, còn đến hết tháng 6/2015, nợ xấu của VFF chiếm tới 35,25%). Trong khi đó, nợ xấu của SHB đến 30/9 là 2,38%.

Do đó, đề án sáp nhập này cũng nêu rõ, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát và tổng giám đốc VVF vẫn phải có trách nhiệm cùng SHB xử lý, thu hồi các khoản nợ tồn đọng, nợ xấu trước khi sáp nhập với SHB.

Bên cạnh đó, ngay sau khi giao dịch sáp nhập hoàn tất, SHB xin lập công ty tài chính tiêu dùng SHB (SHB Finance), vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Sau đó, ngân hàng sẽ chuyển danh mục cho vay khách cá nhân thu nhập dưới 200 triệu đồng một năm sang cho công ty này. Trong giai đoạn trung và dài hạn, SHB Finance sẽ cung cấp sản phẩm tín dụng tiêu dùng cho nhóm khách cá nhân có thu nhập khá (từ 150 triệu đến 200 triệu một năm) trước khi mở rộng sang các khách hàng thu nhập thấp hơn và cả đối tượng trung niên (trên 50 tuổi, thu nhập từ lương và lương hưu ổn định).

Ngoài ra, SHB cũng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận nguyên tắc về việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài mua cổ phần hoặc liên doanh với SHB Finance để gia tăng sự hỗ trợ tài chính. Đồng thời, SHB cũng sẽ trực tiếp hỗ trợ tài chính, thanh khoản cho SHB Finance trong 5 năm đầu thành lập.

Cùng với đó, ngân hàng này cũng kiến nghị NHNN không cộng nợ xấu từ cho vay, ủy thác đầu tư, trái phiếu của VVF (đến 30/6/2015 là 263 tỷ đồng) vào nợ xấu của SHB khi thực hiện công tác xếp hạng tổ chức tín dụng hoặc khi tính các điều kiện cấp phép khác theo quy định của NHNN.

“Việc sáp nhập là nhằm thực hiện hoá chiến lược của ngân hàng trong việc phát triển mảng tiêu dùng, khai thác tiềm năng thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam”, lãnh đạo ngân hàng lý giải.

Được biết, thị trường tài chính tiêu dùng hiện được chiếm lĩnh bởi các ngân hàng thương mại với hơn 96% tổng số tiền cho vay tiêu dùng, với hơn 40 ngân hàng trong nước (bao gồm 5 ngân hàng cổ phần Nhà nước), 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Số còn lại được cung cấp bởi các công ty tài chính tiêu dùng.

Nguyễn Hiền

 

Sáp nhập VVF, SHB lập công ty tài chính tiêu dùng 1.000 tỷ đồng - 2

 

.