“Vén màn” nguyên nhân nợ xấu SHB giảm sốc

(Dân trí) - Năm 2014, trong cơ cấu chất lượng nợ của SHB không còn ghi nhận khoản nợ cho vay chờ xử lý – Vinashin trị giá 1.138,6 tỷ đồng (ghi nhận vào tài sản có khác). Thêm vào đó, SHB cũng đã bán khoảng trên 1.600 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

“Vén màn” nguyên nhân nợ xấu SHB giảm sốc
Việc bán nợ xấu cho VAMC đã đưa tỉ lệ nợ xấu của không chỉ SHB mà nhiều ngân hàng khác trong hệ thống giảm mạnh
 
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 đã được kiểm toán của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), tại thời điểm 31/12/2014, ngân hàng còn tổng cộng 2.107,67 tỷ đồng nợ xấu, chỉ bằng 48,6% so với 1 năm trước đó.
 
Nguyên nhân chủ yếu do trong năm 2014, SHB không còn ghi nhận khoản nợ cho vay chờ xử lý – Vinashin trị giá 1.228,6 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 82%, nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm 18,1% và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) giảm mạnh 41%.
 
Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng đạt 36,13% trong năm vừa rồi đã góp phần kéo tỉ lệ nợ xấu của SHB từ mức 5,67% tổng dư nợ (năm 2013) xuống còn 2,03% (mức giảm rất ấn tượng đối với bất cứ ngân hàng nào).
 
Bên cạnh đó, trong cơ cấu chất lượng nợ cho vay của SHB, nợ cần chú ý tại thời điểm 31/12/2014 là 1.979,3 tỷ đồng (bằng 84,1% cùng kỳ năm 2013). Số nợ này không tính vào nợ xấu.
 
Về khoản này, SHB cho biết, ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt phương án phân bổ dự phòng rủi ro đối với các khoản cho vay Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin, nay đã được đổi tên thành Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy – SBIC), một số công ty thành viên thuộc SBIC và các đơn vị đã chuyển sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), bao gồm cả dư nợ đã hoán đổi và chưa hoán đổi thành trái phiếu đặc biệt trong thời gian tối đa 10 năm.
 
Ngoài ra, việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) ngày 1/9/2012 nằm trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam. Do đó, ngân hàng đã xin phép NHNN được phân bổ dần khoản dự phòng rủi ro tín dụng phát sinh trước đây của Habubank vào kết quả hoạt động kinh doanh của SHB trong khoảng thời gian 5 năm kể từ 2013.
 
Theo thuyết minh báo cáo tài chính SHB thì các khoản nợ cho vay chờ xử lý – Vinashin được xử lý và phân loại lại sang các “Tài sản Có khác” của SHB theo hướng dẫn của NHNN. Tại thời điểm 31/12/2014, khoản này có trị giá 1.138,6 tỷ đồng.
 
Dự phòng rủi ro trái phiếu VAMC trong năm 2014 của SHB là 333 tỷ đồng (năm 2013 không ghi nhận). Theo quy định, khi bán nợ xấu cho VAMC để nhận về trái phiếu đặc biệt, mỗi năm SHB phải trích lập dự phòng rủi ro bằng 20% mệnh giá trái phiếu này.
 
Mệnh giá của trái phiếu đặc biệt được phát hành tương ứng với giá bán nợ xấu và là số dư nợ gốc của khách hàng vay chưa trả trừ đi số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập cho khoản vay được bán. Như vậy, năm vừa rồi, SHB đã bán khoảng 1.665 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.
 
Cũng theo Thuyết minh báo cáo tài chính của SHB, trong năm 2014, tiền lương bình quân tháng của nhân viên ngân hàng đã được nâng từ 10,65 triệu đồng lên 11,6 triệu đồng. Thu nhập bình quân ở mức tương tự (do không có các khoản thưởng và thu nhập khác).
 
Bích Diệp