1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Sắp có lời giải cho 156.000 tỷ đồng nợ xấu

(Dân trí) - Dự thảo Nghị định về Công ty quản lý tài sản đã hoàn thành, nếu thuận lợi trong tháng 4 sẽ ban hành. Đây là một giải pháp quan trọng để xử lý gần 156.000 tỷ đồng nợ xấu của hệ thống ngân hàng, qua đó gỡ nút thắt tín dụng.

Trao đổi với Dân trí tại Hội thảo "Triển vọng kinh tế 2013 - Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam" do trường doanh nhân PTI tổ chức ngày 10/03/2013, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển (thành viên nhóm cố vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) tiết lộ, Dự thảo Nghị định thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) hiện đã hoàn thành, nếu thuận lợi sẽ ban hành vào tháng 4 tới.

Trước đó, tại Nghị quyết phiên họp triển khai nhiệm vụ đầu năm diễn ra sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải khẩn trương trình Thủ tướng phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, trình Chính phủ thành lập và quy định về Điều lệ Công ty quản lý tài sản để triển khai thực hiện ngay trong quý I/2013.

Theo nhận định của chuyên gia Trương Đình Tuyển, nợ xấu là một trong những thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam 2013. Theo đó, đây là mấu chốt của nhiều vấn đề liên quan đến tăng trưởng tín dụng, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và từ đó ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng trưởng GDP.

Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ sẽ tập trung vào việc xử lý nợ xấu và đến cuối tháng này, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ có thể sẽ bàn đến việc ban hành một khung pháp lý cho thành lập VAMC. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông thì vấn đề nợ xấu sẽ vẫn chưa thể được giải quyết trong nửa đầu năm và sẽ cần một thời gian - do đó, tín dụng đến giữa năm chưa tăng trưởng được như mong muốn. Hai tháng đầu năm, dư nợ tín dụng ra nền kinh tế vẫn ở mức âm 0,16%.

Nợ xấu đang là nút thắt, gây tắc nghẽn dòng tín dụng từ ngân hàng tới doanh nghiệp.
Nợ xấu đang là nút thắt, gây tắc nghẽn dòng tín dụng từ ngân hàng tới doanh nghiệp.

Từng trao đổi về vấn đề này với Dân trí tại cuộc họp báo gần đây của Worldbank, TS Võ Trí Thành nhận xét, tiến trình xử lý nợ xấu cũng như xử lý các ngân hàng yếu kém của Việt Nam có phần chậm trễ - mà một trong những lý do là "thiếu tính kiên quyết và triệt để". 

Điều này thể hiện ở việc thiếu sự giải trình với xã hội trước những băn khoăn liên quan đến vấn đề dòng tiền, lợi ích nhóm, những vấn đề văn bản pháp lý cho giao dịch tài sản và nguồn lực thực hiện.

"Cái khó nhất hiện nay là liệu các nhà hoạch định chính sách có dám ra đối diện với thị trường để có một cách giải trình minh bạch hay không. Đây là điều quan trọng trong bối cảnh lợi ích nhóm và hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đang là những vấn đề rất nhạy cảm".

Ông cũng khẳng định, những nguyên tắc cho xử lý nợ xấu đã được đặt ra khá rõ ràng: Nguyên tắc trước hết là minh bạch. Thứ đến đảm bảo thị trường mua bán nợ xấu có thanh khoản. Ba là tối thiểu hóa can thiệp và chi phí của Nhà nước - chưa đề cập đến khả năng có thể có lãi từ hoạt động này hay không. Cuối cùng là phải gắn xử lý nợ xấu với chương trình tái cơ cấu, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đề cập đến nguồn vốn cho VAMC, TS Thành nói :"Tiền là quan trọng nhưng không phải quan trọng nhất, chúng ta có đủ cách và đủ tiền để làm." Theo đó, nếu coi nợ xấu của Việt Nam có 10 đồng, nhiệm vụ phải đưa về 3 đồng chứ không phải đưa về 0. Trong số 7 đồng phải xử lý thì dự phòng rủi ro đã là 3-3,5 đồng và phần còn lại 3-3,5 đồng cũng không bắt buộc phải xử lý ngay lập tức.

Ông cũng cho biết thêm, tất cả AMC trên thế giới hầu hết có hai cách tạo tiền ban đầu: cách thứ nhất là do Ngân hàng Trung ương bơm tiền; cách thứ hai là Chính phủ phát hành trái phiếu nhà nước bảo lãnh.

"Để chống lại lợi ích nhóm thì VAMC sẽ thuộc Chính phủ chứ không thuộc NHNN hay Bộ Tài chính, và sẽ có nhiều cơ quan tham gia để đảm bảo quá trình này minh bạch" - TS Võ Trí Thành cho hay.

Trong bối cảnh hiện tại, sự ra đời và vai trò của VAMC là cần thiết và hành động của Chính phủ phải thật sự quyết liệt. Bởi, điều này quyết định sự tăng trưởng dòng tín dụng trong ngắn hạn và tính lành mạnh của hệt thống ngân hàng.

Tuy nhiên, VAMC chỉ là một giải pháp quan trọng trong tổng thể rất nhiều giải pháp liên quan đến xử  lý nợ xấu như cải cách doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại nợ của các NHTM và gắn với vai trò của DATC (Bộ Tài chính).

Theo thông tin mới nhất, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã được giảm xuống còn 6% trên tổng dư nợ, tương đương với gần 156 nghìn tỷ đồng (tạm tính của tác giả bài viết dựa trên các số liệu công bố của NHNN).

Bích Diệp