Sao ngành ô tô Việt vẫn chỉ quanh quẩn sơn với hàn, "nuôi mãi không lớn"?
(Dân trí) - Sau bao nhiêu năm, đa số doanh nghiệp Việt vẫn chỉ sơn, hàn, lắp ráp, kiểm tra ô tô, chứ chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự. Vậy nguyên nhân đến từ đâu?
Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là thị trường ô tô tiềm năng hàng đầu ASEAN. Thế nhưng, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự.
Phần lớn trong số hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam mới ở mức độ lắp ráp đơn giản. Dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là sơn, hàn, lắp ráp, kiểm tra.
Tiềm năng nhưng "nuôi mãi không chịu lớn"
Về nguyên nhân, Bộ Công Thương cho rằng khách quan do dung lượng thị trường nội địa hạn chế. Thị trường nhỏ và bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp, nhiều model khác nhau khiến cho các công ty sản xuất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt, doanh nghiệp phụ trợ chưa đủ khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất ô tô ở nước ngoài.
GDP bình quân đầu người tại Việt Nam giai đoạn vừa qua chưa đủ để đa số người dân sở hữu ô tô, cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển, tạo ra lợi nhuận.
Theo nhà nghiên cứu Timothy J. Sturgeon và Richard Florida, GDP bình quân đầu người phải đạt 4.000 USD/năm mới có thể thúc đẩy sự tăng trưởng công nghiệp ô tô.
Bên cạnh đó, các quốc gia có trình độ phát triển hơn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… đã có chính sách thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, hiệu quả từ các tập đoàn ô tô toàn cầu, gây sức ép cạnh tranh gay gắt lên ngành ô tô Việt Nam.
Về nguyên nhân chủ quan, Bộ Công Thương đánh giá chính sách phát triển công nghiệp ô tô thời gian qua không đồng bộ, ổn định nên đã không hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ô tô, cũng như công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô trong nước.
Việt Nam cũng chưa chủ động về các vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô như thép chế tạo, nhựa và chất dẻo… chủ yếu vẫn dựa vào nhập khẩu. Sự phụ thuộc này đã làm giảm tính chủ động trong sản xuất và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.
Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước còn thấp. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô của Việt Nam có số lượng nhỏ, vốn là các công ty cơ khí, sản xuất chất dẻo, nhựa, trình độ công nghệ còn kém, không có kinh nghiệm trong ngành ô tô. Do là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trình độ quản lý sản xuất và kinh doanh yếu, không đáp ứng được các yêu cầu của nhà sản xuất ô tô.
Việc thu hút các nguồn vốn FDI để phát triển công nghiệp ô tô không có các cơ chế ràng buộc chặt chẽ để các hãng ô tô nước ngoài nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, mà chỉ chú trọng trong việc hoạt động theo phương thức lắp ráp.
Hệ thống giao thông yếu kém, mà chủ yếu do tổ chức giao thông kém, đã ảnh hưởng lớn tới cầu của thị trường, làm cho nhu cầu về sử dụng ô tô của nền kinh tế chưa lớn, lại càng có xu hướng giảm sút.
Ngành ô tô Việt sẽ đi về đâu?
Tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô phụ thuộc vào 3 yếu tố gồm quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người, và số xe trung bình/1.000 dân.
Tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa dự báo diễn ra trong thời gian tới do GDP bình quân đầu người đã vượt mức 4.000 USD và số xe trung bình trên 1.000 dân đã đạt khoảng 50 xe. Tuy nhiên, con số này thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan (280 xe/1.000 dân), Malaysia (542 xe/1.000 dân).
Theo Bộ Công Thương, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu đẩy tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam trong thời gian tới lên rất lớn. Dự báo nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ trong giai đoạn đến 2025.
Xu hướng điện hóa ô tô cũng đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Đối với ô tô điện, xuất phát điểm giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN là gần như tương tự nhau. Do đó, cơ hội để thu hút các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô điện của Việt Nam rất tiềm năng, đặc biệt trong bối cảnh có sự dịch chuyển đầu tư và tái cấu trúc chuỗi giá trị công nghiệp trong khu vực khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, ngành ô tô Việt đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ ô tô nhập khẩu nguyên chiếc. Lượng ô tô nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia chiếm khoảng trên dưới 50% tổng xe nhập khẩu tại Việt Nam. Hai quốc gia này cũng là điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới.
Bên cạnh sức ép từ các quốc gia đi trước, Việt Nam sẽ còn phải chịu sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau trong khu vực như Myanmar, Lào, Campuchia trong việc thu hút các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô.
Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn do các tác động tiêu cực từ kinh tế toàn cầu. Sự bất ổn của các kênh đầu tư sẽ ảnh hưởng đến thu nhập nhà đầu tư và người tiêu dùng, tác động trực tiếp đến nhu cầu mua xe.
Trong dài hạn, Bộ Công Thương cho rằng sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Mục tiêu xuất khẩu 90.000 xe và 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu linh kiện phụ tùng vào năm 2035 sẽ không thể đạt được, nếu không có những chính sách thúc đẩy kịp thời trong giai đoạn ngắn hạn 2023, trung hạn 2027 và dài hạn đến năm 2035.