Tiết lộ lý do khiến giá ô tô Việt Nam đắt gấp đôi Thái Lan, hơn cả Mỹ, Nhật
(Dân trí) - Nguyên nhân lớn nhất khiến giá ô tô tại Việt Nam đắt là thuế và phí cao, đồng thời sản lượng tích lũy trong nước thấp khi các doanh nghiệp sản xuất dưới rất xa so với công suất thiết kế.
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính về đánh giá tác động của việc không áp dụng quy định về mức độ rời rạc đối với linh kiện ô tô nhập khẩu. Hiện nay, cả nước có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với sản lượng sản xuất lắp ráp đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Tổng công suất lắp ráp của các nhà máy tại Việt Nam là khoảng 755.000 xe/năm.
Dù là thị trường tiềm năng hàng đầu ASEAN, ngành sản xuất lắp ráp ô tô trong nước phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản, dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là sơn, hàn, lắp ráp, kiểm tra. Đến nay, tỷ lệ nội địa hóa với xe buýt đạt 60%, xe tải đạt 35-40%, xe con có tỷ lệ bình quân 25%.
Trong khi đó, giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan và Indonesia), thậm chí còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Mỹ và Nhật Bản.
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe tại Việt Nam ở mức cao là thuế và phí cao, đồng thời sản lượng tích lũy trong nước thấp (các doanh nghiệp đang sản xuất dưới rất xa so với công suất thiết kế).
Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự bằng xe nhập khẩu; chưa tạo được sự hợp tác liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn…
Bên cạnh đó, tỷ lệ giá trị sản xuất chế tạo trong nước với xe đến 9 chỗ chưa đạt mục tiêu đề ra, kết quả đạt được còn thấp so với yêu cầu. "Năng lực yếu kém của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ cũng là điều đáng lưu tâm. Các nhà sản xuất khuôn mẫu hoặc có quy mô nhỏ hoặc thiếu sự liên kết phối hợp để phát triển...", Bộ Công Thương đánh giá.
Đối với nguyên nhân khiến cho ngành ô tô chưa đạt được tiêu chí, Bộ Công Thương cho rằng là dung lượng thị trường nội địa hạn chế. Thị trường nhỏ và bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp, nhiều model khác nhau khiến cho các công ty sản xuất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt, doanh nghiệp phụ trợ chưa đủ khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất ô tô ở nước ngoài.
GDP bình quân đầu người tại Việt Nam cũng chưa đủ để đa số người dân sở hữu ô tô. Theo tính toán, mức bình quân phải đạt 4.000 USD/năm mới có thể thúc đẩy sự tăng trưởng công nghiệp ô tô phát triển nhanh chóng. Các quốc gia có trình độ phát triển hơn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đã có chính sách thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, gây sức ép cạnh tranh lên ngành ô tô Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng nhìn nhận chính sách phát triển công nghiệp ô tô không đồng bộ, ổn định; chưa chủ động về các vật liệu cơ bản, năng lực sản xuất của doanh nghiệp còn thấp; việc thu hút các nguồn vốn FDI không có các cơ chế ràng buộc; hệ thống giao thông yếu kém...
Bộ Công Thương cho rằng cần có thêm ưu đãi, hỗ trợ cho những doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô có tiềm năng, có sản lượng đủ lớn, đầu tư bài bản và dài hạn để hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài tại Việt Nam nhằm tạo dựng thị trường cho công nghiệp và góp phần hạ giá bán xe; không áp dụng quy định mức độ rời rạc tối thiểu của linh kiện ô tô nhập khẩu để thực hiện chương trình ưu đãi thuế.