Sàng lọc ngân hàng: Đường đến minh bạch còn xa
Có ý kiến rằng, khó khăn thanh khoản hiện nay là một trong rất nhiều cơ hội từ nhiều năm qua để sàng lọc ngân hàng. Đáng tiếc, cơ quan quản lý và các ngân hàng lại chưa muốn nhìn vào sự thật đó.
“Áo” báo cáo thành “quần”
Trong điều kiện thị trường ổn định, tình trạng “sức khỏe” các ngân hàng thương mại “không bị làm sao”, có lẽ, các báo cáo chuẩn mực an toàn của họ lên Ngân hàng Nhà nước hầu hết là “có sao nói vậy”.
Nhưng khi thị trường khó khăn, cộng với khả năng chống đỡ rủi ro yếu ớt, đã khiến cho không ít ngân hàng thương mại ngoài việc tìm cách giữ thanh khoản, họ còn né tránh báo cáo số liệu thật với Ngân hàng Nhà nước.
Xung quanh vấn đề này, cán bộ một ngân hàng thương mại ví von: Ngân hàng Nhà nước yêu cầu từng tổ chức tín dụng cuối ngày phải đảm bảo trong tủ quần áo của mình phải có đủ 10 bộ, gồm: 3 bộ comple, 3 bộ quần áo thường và 4 bộ quần đùi áo may ô.
Xét về số lượng thì các tổ chức tín dụng vẫn báo cáo đủ 10 bộ, nhưng Ngân hàng Nhà nước không thể kiểm hết trong từng chiếc tủ của gần 100 tổ chức tín dụng kia có đủ cơ cấu, chủng loại quần áo như mình yêu cầu hay không.
“Nhiều khi mở tủ quần áo ra thì quần nọ áo kia ghép vào nhau là chuyện bình thường!”, ông này nói.
Thêm vào đó, một trở ngại khác khiến cho việc cập nhật thông tin hoạt động của các tổ chức tín dụng trở nên khó khăn là quá trình này diễn ra chậm hơn so với diễn biến thị trường. Lý do chậm trễ là phải tập hợp nhiều số liệu của nhiều đơn vị nhưng còn một yếu tố khác là hệ thống công nghệ thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại chưa tương thích.
Rất nhiều thời điểm, dù trong cùng một buổi sáng nhưng diễn biến thị trường lúc 9h, 10h và 11h biến động khác nhau. Vì thế, khi Ngân hàng Nhà nước tập hợp đủ số liệu thì diễn biến thị trường đã thay đổi, thậm chí trái ngược so với thời điểm cập nhật thông tin.
Chẳng hạn, những ngày này, diễn biến chung trên thị trường liên ngân hàng là tính thanh khoản vẫn thấp, khối lượng giao dịch nhỏ giọt, lãi suất cao tới 20% - 22%/năm. Chỉ có một số trường hợp thanh khoản “vừa xinh”, còn phần lớn là “hôm nay thiếu một chút, ngày mai thừa một chút” và trên thị trường chỉ cần một ngân hàng nào đó hút đi một lượng lớn, lập tức thiếu hụt thanh khoản và lãi suất cao ngất ngưởng.
Thế nhưng, Ngân hàng Nhà nước muốn biết rõ nội tình từng đơn vị nào thiếu, thiếu bao nhiêu để cân nhắc con số bơm ra thị trường chính xác và “miếng bánh” được chia đều, chia kịp thời thì cũng không dễ dàng.
Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước muốn hoàn thành bổn phận của một ngân hàng Trung ương thì phải đảm bảo hai vấn đề sau: phải có đủ hệ thống chuẩn mực và năng lực thực thi.
Đến đây, liên hệ một chút với câu chuyện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sang Hồng Kông xin giấy phép lập văn phòng đại diện. Nhà chức trách Hồng Kông đồng ý nhưng đặt ra các điều kiện: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải chứng minh đã áp dụng đủ 25 nguyên tắc quản trị rủi ro của Basel cũng như đủ năng lực đưa 25 nguyên tắc trên vào thị trường.
Nhưng với những gì đang diễn ra, Ngân hàng Nhà nước rất khó đánh giá tình hình hoạt động, việc chấp hành các chuẩn mực quản trị rủi ro, khả năng thanh khoản của từng ngân hàng một cách chính xác. Vì thế, những tiền đề cần thiết cho quá trình sàng lọc ngân hàng sau này không được xác lập.
Sàng lọc ngân hàng là “ngáo ộp”?
Nhận xét về quá trình sàng lọc trong hoạt động ngân hàng hiện nay, lãnh đạo ban vốn một ngân hàng thương mại nhà nước nói: “Thật khó tưởng tượng, cứ ra ngõ là gặp ngân hàng. Phòng giao dịch thì xập xệ, bé bằng mắt muỗi, nhân viên lèo tèo nhưng vẫn tồn tại. Điều này chứng tỏ hệ thống thanh lọc của hệ thống ngân hàng Việt Nam chưa đủ mạnh.”
Theo ông, với quy mô thị trường không phải lớn nhưng tồn tại tới 100 tổ chức tín dụng là quá nhiều. Điều khó tin là trong 3 năm qua, dù thị trường ngân hàng nóng lạnh thất thường, không ít ngân hàng gặp khó khăn thanh khoản nhưng tới nay, trong tiềm thức từ cơ quan quản lý đến những ngân hàng yếu kém, dường như không ai nghĩ tới câu chuyện phá sản, sáp nhập, mua lại, trong khi ở châu Âu và Mỹ, hàng trăm ngân hàng bị mua lại, sáp nhập.
“Đã kinh doanh thì phải có kẻ mạnh, kẻ yếu và phải chịu quá trình thanh lọc đào thải. Một hệ thống ngân hàng có ăn mà không tiêu thì chắc chắn có vấn đề”, vị này nói thêm.
Thực ra, không phải tổ chức tín dụng cứ muốn giấu Ngân hàng Nhà nước chuyện yếu thanh khoản là được. Bởi kinh doanh trên một nền tảng quản trị rủi ro lỏng lẻo, tầm nhìn quá thiên lệch về lợi nhuận ngắn hạn thì cũng giống như câu chuyện “giấu kim trong bọc giẻ”. tổ chức tín dụng có thể giấu được lần này nhưng không thể giấu lần khác và ai đó có thể giấu được nhưng khi dăm bảy đơn vị bị lâm vào rủi ro thì rất khó giấu.
Bởi thế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu từng thừa nhận: “Ba năm qua, thanh khoản ngân hàng chưa có nổi một ngày bình yên”.
Lại nhớ năm 2010, theo quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 thì giai đoạn 2 đến 31/12/2010, các tổ chức tín dụng phải hoàn thành tăng vốn pháp định lên mức tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Rất nhiều người chờ đợi và coi đó là cơ hội để sàng lọc những đơn vị không đủ năng lực tài chính.
Nhưng chỉ trước đó hai tuần, thời hạn nói trên lại được gia hạn đến 31/12/2011 với lý do: thị trường chứng khoán lình xình, nếu phát hành thêm để tăng vốn thì cổ phiếu ngân hàng bị loãng; hơn nữa, cổ đông nhà nước phải thoái vốn để tập trung vào nhiệm vụ chính!
Với thực tế trên, nhiều người đặt câu hỏi: tại sao đến nay Nhà nước vẫn chưa đặt vấn đề sàng lọc hệ thống ngân hàng một cách nghiêm túc? Hóa ra, câu trả lời lại ở chỗ: nỗi sợ phản ứng chuỗi domino hệ thống!
Lịch sử từng chứng kiến hàng đoàn người rồng rắn rút tiền tại Ngân hàng Á Châu (ACB) vào năm 2003 và cựu Thống đốc Lê Đức Thúy phải lên truyền hình trấn an người dân. Hoạt động ngân hàng không giống như bất kỳ một loại hình doanh nghiệp nào khác, vốn của đơn vị này gửi ở đơn vị kia, chưa kể quy luật “lây lan tâm lý”, do đó, một đơn vị mất thanh khoản có thể vạ lây cả hệ thống.
Vì vậy, khi đề cập đến sàng lọc, phá sản ngân hàng, liên tưởng đến đổ vỡ hệ thống là có cơ sở.
Tuy nhiên, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho rằng: “Chúng ta chưa hiểu đúng về phá sản ngân hàng. Phá sản không có nghĩa giải thể, dẹp mà là đuổi chủ cũ ra ngoài chơi, và bán lại ngân hàng đó với giá rất rẻ, nhiều khi là tượng trưng để chủ mới cấu trúc lại.”
Theo ông, có khi giá trị một ngân hàng là vài chục nghìn tỷ đồng nhưng vì quản trị yếu kém nên giá bán chỉ đáng một đồng. Lúc đó, chủ cũ nên rũ túi ra đi để người khác quản trị, chuyển nợ thành vốn để phục hồi hoạt động. Viện dẫn thực tế ở Mỹ, ông Lịch nêu: khi khủng hoảng tài chính xảy ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã mua lại một số ngân hàng lớn bên bờ vực phá sản và tái cấu trúc chúng, đợi khi thị trường hồi phục, FED đã bán lại và lãi rất lớn.
Tuy nhiên, một cựu quan chức Ngân hàng Nhà nước lại không nghĩ vậy, ông này bày tỏ: “Ở Mỹ hay châu Âu, họ có trợ cấp thất nghiệp, khi ngân hàng phá sản thì người gửi tiền còn có nguồn này trợ cấp nhưng ở Việt Nam, ngân hàng phá sản là người gửi tiền trắng tay.”
Điều ông này nói là có lý, nhưng chứng kiến tình trạng “vốn chạy vòng quanh” và “mặc cả lãi suất” đang trở thành vấn nạn trong lòng ngân hàng, thì mới thấm thía cái giá phải trả cho quan điểm “vị người gửi tiền” nói trên.
Và có lẽ chừng nào, khi tất cả chưa sẵn sàng cho “thà một lần đau” thì nền kinh tế vẫn phải chấp nhận một sự thật: hệ thống ngân hàng ốm yếu, thiếu sàng lọc và đào thải; cùng đó là một hệ thống khách hàng đang bị hủy hoại bởi hành vi mặc cả lãi suất tiền gửi như mớ cá, mớ rau!