Sai phạm, thất thoát lớn tại VEAM: Sếp “bay” chức, hồ sơ chuyển sang công an

(Dân trí) - Bộ Công Thương đã kiến nghị chuyển các sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế.

Sai phạm, thất thoát lớn tại VEAM: Sếp “bay” chức, hồ sơ chuyển sang công an - 1
Hoạt động của VM gặp nhiều khó khăn, tồn kho lớn, sử dụng vốn không hiệu quả...

Mua 3.000 bộ linh kiện không qua phê duyệt

Như Dân trí đã đưa tin, Bộ Công Thương mới đây đã có kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM).

Không chỉ có sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, quản lý sử dụng vốn, tài sản, lãnh đạo VEAM qua các thời kỳ còn để xảy ra thất thoát lớn trong quá trình điều hành sản xuất kinh doanh.

Cụ thể theo kết luận của Bộ Công Thương, việc điều hành, kiểm tra giám sát thiếu chặt chẽ đối với kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch tài chính hàng năm dẫn đến việc VEAM và một số đơn vị thành viên nhiều năm không hiệu quả, gây nguy cơ thất thoát vốn nhà nước, tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

Đáng lưu ý, trong vụ việc mua 1.500 bộ linh kiện giữa VEAM và Chi nhánh Công ty TNHH Mekong Auto (MKA): Đến thời điểm thanh tra, toàn bộ số xe đã lắp đặt của MKA (540 xe) không thực hiện đăng kiểm được, còn 360 bộ chưa lắp ráp và 600 bộ chưa đến thời điểm giao hàng.

“MKA thực hiện không đúng quy định của hợp đồng trong việc đăng kiểm và bàn giao xe thương mại. VEAM chưa cung cấp kế hoạch tài chính được phê duyệt hàng năm để có cơ sở đánh giá về hiệu quả của việc kinh doanh”, kết luận thanh tra nêu rõ.

Cũng theo kết luận này, việc mua 3.000 bộ linh kiện tại VM không có trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhà máy, không được phê duyệt của HĐQT/Tổng giám đốc theo quy định. Nhà máy ký kết hợp đồng mua 3.000 bộ linh kiện là vượt thẩm quyền được giao; không tham khảo và đàm phán giá theo quy định.

Đánh giá khái quát về tình trạng VM hiện nay, báo cáo mới đây của lãnh đạo VEAM cho biết “hiện nay hoạt động của VM đang gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm Euro 4 chưa định hình ổn định, tồn kho sản phẩm Euro 2 lớn, tiêu thụ chậm, sử dụng vốn không hiệu quả”.

Đáng lưu ý theo con số đưa ra báo cáo thì lượng tồn kho của VM luôn ở mức rất cao so với doanh thu thực hiện hàng năm. Trong tổng số 2.950 xe ô tô do VM sản xuất tồn thời điểm cuối năm 2018 thì nhiều xe khó tiêu thụ vì lỗi mốt và chất lượng xuống cấp do nhiều xe đã để ngoài trời một thời gian dài.

Đối với Đề án xúc tiến thương mại: VEAM chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu về việc phê duyệt thực hiện đề án. Tổng giám đốc đã thực hiện chi tiền cho đề án xúc tiến thương mại trong khi chưa được phê duyệt của Hội đồng quản trị là trái với quy định của Điều lệ tổ chức và hoạt động của VEAM.

Ngoài ra, việc mở hệ thống đại lý bán xe ô tô VEAM cũng chưa đúng với quy chế. Hồ sơ của một số đại lý tiêu thụ sản phẩm cho công ty TAMAC, Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo, VM chưa đầy đủ theo quy định.

Bán hàng tiêu thụ sản phẩm và thanh toán tiền hàng không theo nội dung được thoả thuận trong hợp đồng, dẫn đến Công ty TAMAC bị khách hàng chiếm dụng số vốn là hơn 6,7 tỷ đồng; Công ty cơ khí Trần Hưng Đạo với số tiền là 23,9 tỷ đồng, DISSOC số nợ quá hạn là 8,7 tỷ đồng, VM với số nợ quá hạn trên 3 năm là 3,67 tỷ đồng.

VEAM cũng có trách nhiệm khi không thực hiện đầy đủ công tác giám sát tài chính của chủ sở hữu theo quy định. Việc trích lập dự phòng tại VM chưa đầy đủ cơ sở pháp lý và xác định rõ ràng giá thị trường về thiệt hại, giảm giá (nếu có).

Chuyển hồ sơ công an, bãi nhiệm Tổng giám đốc

Để xảy ra hàng loạt sai phạm trên, theo Bộ Công Thương, trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Thanh Giang (Tổng giám đốc 2010-2011); ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004-2011, Tổng giám đốc 2011-2015); ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014; Tổng giám đốc 2015-2018); ông Bùi Quang Chuyện (Chủ tịch 2015 đến nay); Hội đồng quản trị, ban Tổng giám đốc, người đại diện vốn nhà nước, Ban kiểm soát, kế toán trưởng, Chủ tịch các đơn vị thành viên, Ban giám đốc đơn vị thành viên, Trưởng các phòng/ban và các cá nhân, đơn vị liên quan.

Ngoài trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nêu trên, theo kết luận, còn có trách nhiệm của Bộ Công Thương, các cục, vụ chức năng thuộc Bộ trong công tác quản lý, giám sát, tham mưu. Cụ thể: Cục Công nghiệp; Vụ Tài chính và đổi mới doanh nghiệp; Vụ Kế hoạch; Vụ tổ chức cán bộ, người đại diện vốn, kiểm soát viên qua các thời kỳ…

Bộ Công Thương kiến nghị cần thực hiện việc giám sát đặc biệt đối với các đơn vị thành viên kinh doanh thu lỗ, có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn (quá 3 lần), có số lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ luỹ kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu; có khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5 và có biện pháp xử lý kịp thời các quy định hiện hành.

Đồng thời kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện đề án xúc tiến thương mại, mua 1500 bộ linh kiện xe Changan, mua 3.000 bộ linh kiện xe Huyndai Mighty, kê khai không chính xác mã HS của các mặt hàng thuộc bộ linh kiện HD72.

Xem xét giải thế công ty VEAM Korea do hoạt động không có hiệu quả và chưa đạt mục tiêu ban đầu khi thành lập công ty.

Ngoài ra, kiến nghị Vụ tổ chức cán bộ thực hiện kiểm điểm trách nhiệm của Bộ Công Thương trong công tác quản lý và công tác giám sát, tham mưu của các đơn vị nêu trên.

Đáng lưu ý, tại kết luận này Bộ Công Thương đã kiến nghị chuyển vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế.

Trong đó việc mua linh kiện phụ tùng ô tô trách nhiệm chính thuộc về ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014; Tổng giám đốc 2015-2018); Hội đồng quản trị ban Tổng giám đốc, người đại diện vốn nhà nước, Ban kiểm soát, kế toán trưởng, Chủ tịch các đơn vị thành viên, Ban giám đốc đơn vị thành viên, Trưởng các phòng/ban và các cá nhân, đơn vị liên quan.

Đồng thời tiếp tục chuyển các vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế: Việc sử dụng nguồn vốn hơn 112 tỷ đồng không đúng mục đích từ nguồn vốn chuyển quyền sử dụng đất tại 191 và 193 Bà Triệu – HÀ Nội tại Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo trong Dự án đầu tư di chuyển và xây dựng mới Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo.

Ngoài ra, Bộ cũng chuyển Bộ Công an làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái, buông lỏng trong công tác quản lý đất đai tại Tổng công ty và một số đơn vị thành viên gây thiệt hại, lãng phí tài sản nhà nước.

Liên quan đến sai phạm xảy ra tại VEAM, hôm 1/4/2019, Hội đồng quản trị VEAM đã chính thức ban hành nghị quyết ngày 29/3/2019 về việc bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Trần Ngọc Hà.

Theo đó, ông Hà bị tạm dừng nhiệm vụ liên quan đến thương vụ mua bán 3.000 linh kiện phụ tùng ô tô xe Hyundai để sản xuất và tiêu thụ của VEAM, trị giá khoảng 1.600 tỷ đồng mà không thông qua HĐQT.

Tuy nhiên, ông Hà cho rằng, những lý do bãi nhiệm ông không hơp lý. Ví dụ như việc bán 3000 bộ linh kiện phụ tùng là theo thẩm quyền đã được phân cấp cho Tổng giám đốc và việc đó cũng không gây hậu quả, thậm chí còn có lãi cho VEAM. 

Một cán bộ của VEAM cũng cho rằng, về việc buộc tội cho ông Hà trách nhiệm về dự án để xảy ra thua lỗ tại dự án của VEAM Motor, theo kết luận của thanh tra cũng chưa hợp lý.

Ông này nói: "Dự án nào mới đầu tư xong chẳng có Lỗ KH theo Nghị Quyết của HĐTV VEAM giai đoạn đầu. 331 tỷ là lỗ kế hoạch của VEAM MOTOR. Số lỗ này không bằng số trích khấu hao. Theo nghiệp vụ kế toán, mỗi năm VEAM MOTOR phải trích khoảng 50 tỷ đồng gọi là chi phí khấu hao để hạch toán lỗ lãi. Số tiền này thực chất ko mất đi mà vào Quỹ đầu tư phát triển nhưng trong nghiệp vụ kế toán vẫn phải coi là chi phí). Tuy nhiên, cũng có thông tin từ ban lãnh đạo VEAM cho rằng, dự án trên chỉ dự kiến số thua lỗ trong một năm.

Nguyễn Mạnh