Sabeco xin Bộ Công Thương niêm yết trên HOSE

(Dân trí) - Nguồn tin của Dân trí cho biết, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa chính thức có công văn gửi lên Bộ Công Thương đề xuất chấp thuận việc Sabeco thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM (HOSE) trong thời gian tới.

Một số hãng bia nước ngoài quan tâm đến việc mua cổ phần của Sabeco gồm Thai Beverage và Singha của Thái Lan, Kirin và Asahi của Nhật Bản, Heineken và Anheuser-Busch InBev của Hà Lan.
Một số hãng bia nước ngoài quan tâm đến việc mua cổ phần của Sabeco gồm Thai Beverage và Singha của Thái Lan, Kirin và Asahi của Nhật Bản, Heineken và Anheuser-Busch InBev của Hà Lan.

Theo công văn này, căn cứ theo các quy định hiện hành thì Sabeco đã đủ điều kiện và cần thực hiện niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán. Trên cơ sở xem xét các tiêu chuẩn niêm yết đối với doanh nghiệp, quy mô, uy tín và mức độ thanh khoản và sự quan tâm của giới đầu tư giữa 2 sở giao dịch chứng khoán, Sabeco đã lựa chọn Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) để niêm yết.

Về thời gian niêm yết, Sabeco cho biết sẽ chủ động thực hiện làm việc với các đơn vị tư vấn niêm yết và thoả thuận về mặt nguyên tắc. Được biết, hiện Sabeco đang thực hiện thương thảo, và dự kiến sẽ kí hợp đồng tư vấn niêm yết với Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng trước ngày 20/9.

“Căn cứ theo quy định về niêm yết và kết quả làm việc sơ bộ với đơn vị tư vấn, để niêm yết cổ phiếu ước tính sẽ mất 2 tháng, tính đến thời điểm được phê duyệt và cấp giấy phép niêm yết. Trong quá trình thực hiện, Sabeco sẽ thực hiện nhanh nhất có thể, cố gắng rút ngắn thời gian một số khâu”, nguồn tin cho biết.

Trước đó, ngày 29/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ ngành về chủ trương thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn, trong đó có Sabeco, Habeco, Vinamilk…

Với trường hợp Habeco, Sabeco là những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa tiến hành niêm yết, Thủ tướng cũng chỉ rõ phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch và đảm bảo lợi ích nhất cho nhà nước.

Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan có liên quan phải thực hiện nghiêm túc chủ trương thoái vốn theo đúng quy luật, thông lệ thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước.

Theo Thủ tướng, việc định giá cổ phần phải khẩn trương tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có năng lực, kinh nghiệm, tránh trường hợp định giá không sát, không đúng, làm thất thoát phần vốn nhà nước. Việc định giá cụ thể dựa trên các quy định pháp luật, nguyên tắc thị trường và ý kiến đơn vị tư vấn.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi tiến hành bán cổ phần tại các doanh nghiệp, phải đấu giá cạnh tranh, không phân biệt đối tác trong nước và nước ngoài, giá trị quyền sử dụng đất tính riêng. Đồng thời, có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia sau khi bán vốn nhà nước.

Sabeco là hãng bia Việt lớn nhất hiện nay với phần vốn Nhà nước đang nắm giữ 89,59%. Theo thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu nước giải khát (VBA), người Việt tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia trong năm 2015; trong đó, riêng Sabeco chiếm 43% thị phần cả nước, cung cấp cho thị trường 1,52 tỷ lít.

Phương Dung