Sá xị Chương Dương "lâm nguy"

Bước qua đại dịch, Chương Dương vẫn tiếp tục lỗ nặng. Nếu không sinh lời trong năm 2023, công ty nước giải khát vang bóng một thời sẽ bị hủy niêm yết cổ phiếu.

Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (mã chứng khoán: SCD) thông báo doanh thu thuần quý IV/2022 đạt 50 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp lại đi xuống, chỉ còn 16%.

Với mức lãi gộp 8 tỷ đồng, công ty không thể đủ trang trải cho các chi phí lãi vay, bán hàng tăng lên so với cùng kỳ 2021. Hậu quả là Chương Dương báo lỗ 13 tỷ đồng trong quý IV/2022.

Lũy kế cả năm 2022, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu nước sá xị nổi tiếng một thời với người tiêu dùng khu vực phía Nam đạt doanh thu 169 tỷ đồng, tăng 28% so với 2021 nhưng lỗ ròng 49 tỷ đồng. Mức lỗ của Chương Dương thậm chí còn cao hơn năm 2021, thời điểm hoạt động kinh doanh tê liệt do TPHCM và nhiều địa phương đóng cửa do giãn cách xã hội.

Như vậy, Chương Dương đã lỗ 2 năm liên tục 2021-2022. Là một doanh nghiệp đại chúng, nếu tiếp tục kéo dài mạch thua lỗ sang năm thứ 3 liên tiếp, "vua sá xị" sẽ nằm trong diện phải hủy niêm yết bắt buộc theo quy định hiện hành.

Hiện tại, Chương Dương đang lỗ lũy kế hơn 80 tỷ đồng. Khoản lỗ này ăn mòn nguồn vốn của công ty. Nợ phải trả của Chương Dương lên tới 490 tỷ đồng, gấp gần 5 lần vốn chủ sở hữu.

 

Trong văn bản trình bày phương án khắc phục lỗ kinh doanh gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), Chương Dương cho biết đã nỗ lực tăng sản lượng nhưng khủng hoảng lạm phát khiến chi phí đầu vào tăng lên dẫn đến chi phí sản xuất đội lên trung bình 35% so với 2021. Theo giải thích của lãnh đạo công ty này, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng quá mạnh nên doanh thu bán hàng dù tăng vẫn chưa bù đắp được.

Công ty cho biết sẽ tiếp tục tối ưu giá vốn hàng bán thông qua nhiều giải pháp như sắp xếp lao động dôi thừa và tăng năng suất lao động để giảm chi phí nhân công, củng cố hợp tác với các đối tác phân phối lớn tại khu vực Mekong và Nam Trung Bộ, tiếp tục phối hợp với công ty mẹ Sabeco để tối ưu hơn nữa chi phí giá thành, giảm khả năng bị tăng giá nguyên vật liệu và bao bì, tìm kiếm các lựa chọn nguyên liệu thay thế.

Công ty cũng nỗ lực tăng độ phủ bán hàng, mạng lưới phân phối tại TPHCM và các tỉnh, tăng cường đầu tư để tiếp cận các cấp độ khác nhau trong hệ thống phân phối, phát triển danh mục sản phẩm toàn diện để hoạt động kinh doanh phục hồi, sinh lợi nhuận trở lại.

Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique thuộc Tập đoàn B.G.I của Pháp. Trước năm 1975, cơ sở này là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam với nhãn hiệu "sá xị con cọp".

Tuy nhiên, sau khi các thương hiệu nước giải khát toàn cầu đầu tư vào Việt Nam, thương hiệu một thời được mệnh danh là "vua sá xị" ngày càng khó khăn, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Vốn điều lệ hiện tại của Chương Dương hiện chỉ vỏn vẹn 85 tỷ đồng. Hiện Sabeco nắm giữ 62% vốn Chương Dương.

Đầu tháng 1, Chương Dương đã thông báo được vay vốn từ Sabeco với hạn mức 138 tỷ đồng để giải quyết tình trạng thiếu hụt vốn hiện tại. Chương Dương có thể dùng nguồn tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc chính khoản tăng vốn từ Sabeco để trả khoản vay này.

Theo Việt Đức

Fica.vn