1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

ROS, "siêu cổ phiếu" một thời, kín mít từ khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt

Mai Chi

(Dân trí) - Sau khi ông Trịnh Văn Quyết cùng dàn lãnh đạo cũ tại FLC Faros bị khởi tố, mọi thông tin về tình hình tài chính, quản trị của công ty này đều bị "đóng băng". UBCKNN vừa có quyết định xử phạt.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán: ROS).

Theo đó, FLC Faros bị cơ quan chức năng phạt tiền 92,5 triệu đồng với hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

ROS, siêu cổ phiếu một thời, kín mít từ khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt - 1

Lịch sử giá cổ phiếu ROS (Nguồn: Tradingviews).

Cụ thể, công ty không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN loạt tài liệu gồm báo cáo tài chính năm 2021, 2022 đã được kiểm toán; báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét năm 2022, 2023; báo cáo tài chính quý I, II, III, IV năm 2022; báo cáo tài chính quý I,II, III năm 2023.

Đồng thời, báo cáo thường niên năm 2021, 2022; báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022; báo cáo tình hình quản trị công ty bán niên năm 2023 của FLC Faros đến thời điểm này cũng "bặt vô âm tín".

Như vậy, kể từ sự kiện ông Trịnh Văn Quyết cùng dàn lãnh đạo cũ bị bắt để điều tra thao túng thị trường chứng khoán cho đến nay, FLC Faros gần như không cung cấp thông tin gì mới về tình hình quản trị cũng như tài chính của doanh nghiệp cho cơ quan quản lý cũng như cổ đông, cộng đồng nhà đầu tư.

Trên thực tế, cổ phiếu ROS của FLC Faros đã bị HoSE hủy niêm yết từ 5/9/2022 do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HoSE hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Mã này từng là một hiện tượng với toàn thị trường khi có mức tăng choáng váng từ mức 12.600 đồng (giá chưa điều chỉnh) vọt lên hơn 200.000 đồng, được đưa vào rổ chỉ số VN30. Tuy nhiên, ROS cũng là mã cổ phiếu "nhấn chìm" tài khoản nhiều nhà đầu tư khi rơi từ đỉnh cao xuống mức giá trà đá vài nghìn đồng.

Theo cơ quan điều tra, kết quả xác minh cho thấy nhóm Trịnh Văn Quyết đã bán ra hơn 391 triệu cổ phiếu ROS cho 30.403 nhà đầu tư. Đến thời điểm hủy niêm yết cổ phiếu ROS, vẫn còn 4.024 nhà đầu tư đang sở hữu 82,7 triệu cổ phiếu. Tạm tính theo thị giá ngày hủy niêm yết 2.500 đồng/cổ phiếu - số cổ phiếu tồn trong tay hơn 4.000 nhà đầu tư có giá trị khoảng 208 tỷ đồng.

Cuối tháng 6/2022, cơ quan điều tra khởi tố bổ sung tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung. Hai em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế cũng bị khởi tố bổ sung cùng tội danh trên.

Cơ quan điều tra xác định giai đoạn 2014-2016, thực tế các cổ đông chỉ góp hơn 1.100 tỷ đồng vốn điều lệ vào Công ty Cổ phần Xây dựng Faros. Tuy nhiên, với mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo thuộc cấp và các cá nhân có liên quan thực hiện lập và ký khống hồ sơ, chứng từ góp vốn khống lên 3.100 tỷ đồng, làm tăng khống vốn chủ sở hữu công ty lên 4.300 tỷ đồng.

Sau khi tăng khống vốn điều lệ, công ty này đề nghị đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên HoSE để bán chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư, theo cơ quan điều tra.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm