Em gái ông Trịnh Văn Quyết thay đổi lời khai, gánh tội thay anh trai?
(Dân trí) - Theo kết luận điều tra, ban đầu, Trịnh Thị Minh Huế khai hành vi phạm tội của mình là thực hiện theo chỉ đạo của ông Quyết. Tuy nhiên, đến nay, Huế phủ nhận, nói bản thân tự thực hiện.
Tại kết luận điều tra vụ án Thao túng thị trường chứng khoán, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty cổ phần Xây dựng Faros và các công ty liên quan, Trịnh Thị Minh Huế và anh trai là ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC) cùng bị đề nghị truy tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nghe theo anh trai dù biết vi phạm pháp luật
Theo điều tra của Bộ Công an, Huế là kế toán tổng hợp của Công ty Tập đoàn FLC, có trình độ hiểu biết về lĩnh vực tài chính kế toán, chứng khoán.
Kết luận nêu, Huế biết anh trai chỉ đạo mượn chứng minh nhân dân của 45 người để thành lập, đứng tên 20 doanh nghiệp, mở 500 tài khoản chứng khoán là vi phạm pháp luật; biết việc đặt lệnh mua cổ phiếu khi không có tiền hoặc không đủ tiền trong tài khoản là vi phạm.
Tuy nhiên, Huế vẫn nghe theo ông Quyết, đề nghị Trịnh Thị Thúy Nga (chị gái Huế) chỉ đạo cấp dưới thực hiện 1.568 lần cấp hạn mức cho 79 tài khoản chứng khoán, nâng khống tổng giá trị hạn mức lên hơn 170.000 tỷ đồng.
Điều này giúp Huế đặt hơn 15.000 lệnh mua hơn 2.800 cổ phiếu các mã AMD, HAI, GAB, ART, FLC, tương đương hơn 46.980 tỷ đồng, nhưng chỉ khớp lệnh hơn 463 triệu cổ phiếu.
Từ ngày 26/5/2017 đến 10/1/2018, Huế sử dụng 190 tài khoản chứng khoán, liên tục đặt lệnh mua, bán, khớp chéo, hủy lệnh... với số lượng lớn cùng một loại chứng khoán, trong cùng ngày giao dịch để thao túng 5 mã chứng khoán trên.
Khi giá cổ phiếu tăng, Huế nghe theo chỉ đạo của anh trai, bán lại ra thị trường, giúp cựu Chủ tịch FLC thu lời bất chính hơn 700 tỷ đồng.
Thay đổi lời khai, nhận tội giúp anh trai?
Theo Bộ Công an, từ năm 2014 đến năm 2016, các cổ đông chỉ góp gần 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ vào Công ty cổ phần Xây dựng Faros.
Tuy nhiên, với mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo thuộc cấp và các cá nhân có liên quan thực hiện lập và ký khống hồ sơ, chứng từ góp vốn khống hơn 3.100 tỷ đồng, làm tăng khống vốn chủ sở hữu của Công ty Faros lên 4.300 tỷ đồng.
Sau đó, các bị can đề nghị đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của Công ty Faros trên Sở giao dịch chứng khoán TPHCM để bán chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Kết luận điều tra nêu, Huế biết việc nâng khống vốn điều lệ trên là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, thực hiện theo ý kiến của anh trai, từ năm 2014 đến 2016, Huế vừa chỉ đạo, vừa nhờ các cá nhân là người thân, lãnh đạo, nhân viên Công ty FLC đứng tên là cổ đông, ký khống các chứng từ để Huế sử dụng trong những thủ tục nộp tiền, rút tiền... tại ngân hàng.
Việc nộp, rút tiền được Huế thực hiện nhiều lần, quay vòng dòng tiền để 5 lần tăng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương đương 430 triệu cổ phần, dù thực tế công ty không có tiền.
Để hợp thức việc tăng vốn khống, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Huế nghe theo chỉ đạo của ông Quyết, trực tiếp soạn thảo 115 hợp đồng chuyển tiền ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh, cho vay vốn với 12 doanh nghiệp để 3 đời Giám đốc Công ty Faros và 6 cá nhân ký khống. Từ đó hợp thức việc rút toàn bộ số tiền đã góp khống nêu trên ra khỏi công ty.
Từ tháng 9/2016 đến tháng 3/2022, theo chỉ đạo của anh trai, Huế sử dụng 41 tài khoản chứng khoán để thực hiện việc mua, bán cổ phiếu ROS; bán hơn 391 triệu cổ phiếu ban đầu hình thành từ vốn góp khống, thu về hơn 4.818 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Trong đó, các bị can chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng.
Tại trụ sở điều tra, ban đầu Huế thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình là thực hiện theo chỉ đạo của ông Trịnh Văn Quyết. Tuy nhiên đến nay, Huế phủ nhận làm theo "lệnh" của anh trai mà bản thân tự thực hiện.
Tại cơ quan điều tra, ban đầu bị can Trịnh Văn Quyết thành khẩn khai báo về việc chỉ đạo em gái và đồng phạm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra khởi tố bổ sung về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Quyết thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Cơ quan chức năng còn cáo buộc ông Quyết đổ lỗi cho em gái và những người khác.
Dù vậy, căn cứ kết quả điều tra, Bộ Công an cho rằng hành vi của cựu Chủ tịch FLC đủ yếu tố cấu thành các tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò chủ mưu, cầm đầu, vừa là người thực hiện tội phạm.