Rau quả Trung Quốc tràn ngập thị trường Hà Nội

(Dân trí) - Trong khi rau quả vụ đông “made in Vietnam” đang thu hoạch rất rộ và có phần khó tiêu thụ thì rau quả Trung Quốc lại “chiếm lĩnh” thị trường Hà Nội. Nghịch lý này là chuyện muôn thuở, còn người tiêu dùng biết nhưng… mặc kệ.

Khảo sát của PV Dân trí cho thấy, ở nhiều khu chợ đầu mối và chợ bán lẻ tại Hà Nội tràn ngập rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc.
 
Người Việt “quen” ăn rau quả Trung Quốc
 
Tại chợ Long Biên - một trong những khu chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội ngày đêm luôn nhộn nhịp không khí giao nhận hàng nông sản “made in china”.
 
Trong thời buổi làm ăn kinh doanh khó khăn, khi mà giá cả thị trường luôn biến động thì nhiều tiểu thương cho rằng cứ buôn hàng Trung Quốc về bán là yên tâm nhất.
 
Rau quả Trung Quốc tràn ngập thị trường Hà Nội - 1
Hoa quả Trung Quốc được bán tràn lan trên thị trường Hà Nội...
 
Quan điểm này được chị Hà - chủ một ki-ốt bán trái cây trong chợ Long Biên lý giải: “Trái cây trong Đà Lạt, Sài Gòn hay Cần Thơ thường đắt đỏ hơn, thời gian và phí vận chuyển cũng khá cao. Hoa quả chở đường dài bằng ô tô nhiều ngày với số lượng lớn, dù chưa tính hết những hư hỏng cũng nhìn thấy rất rõ mẫu mã bị kém đi nên rất khó bán, thậm chí phải bán rẻ.
 
Trong khi đó, cũng với số lượng hoa quả như thế mà tôi nhập từ Trung Quốc về với giá rẻ hơn 1/3, quãng đường ngắn nên thời gian và phí vận chuyển cũng ít hơn. Sau khi phân loại hoa quả, tôi đổ buôn đi các nơi cũng đã nhìn thấy có lãi rồi. Rõ ràng làm ăn kiểu nào đỡ vất vả và thu lợi nhiều thì làm chứ tội gì mua mệt vào người…”.
 
Trong nội thành Hà Nội, từ những cửa hàng hoa quả có uy tín đến những “đại lý” bán rong ngoài đường, mọi chỗ mọi nơi… hoa quả Trung Quốc hoặc không rõ xuất xứ, nguồn gốc mặt hàng hoặc có muôn vàn loại giá đắt rẻ khác nhau.
 
Các loại rau, quả như: cam, quýt, ổi, nho, lê, táo, dưa, các loại rau như bắp cải, cải tím, cải thảo, hành, tỏi… đeo “mác” Trung Quốc bày bán tràn lan, trong khi đó nhiều sản phẩm nông sản, hoa quả “made in Vietnam” còn dư thừa, khó khăn trong tiêu thụ?!
 
Chị Hoa - ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình cho hay: “Lâu nay nguồn cung trên thị trường thấy toàn là hàng Trung Quốc thì người tiêu dùng cũng không có sự lựa chọn nào khác. Mặt khác, hàng Trung Quốc nhiều hơn, mẫu mã đẹp lại rẻ hơn nên người dân chọn mua. Tôi cũng nghe nhiều là hàng hóa Trung Quốc không an toàn, nhưng chưa thấy ai bị ngộ độc vì ăn hoa quả Trung Quốc nên vẫn chọn mua”.
 
Cũng bàng quan với tình hình thị trường, chị Lý - ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ rất thoải mái: “Nhà nước cho nhập khẩu thì hàng Trung Quốc mới tràn về nhiều thế, tôi thấy mọi mặt hàng đều có sự hiện diện của nhãn hiệu Trung Quốc. Giá cả thị trường tăng vù vù thế này nên thường cái gì rẻ hơn thì người tiêu dùng sẽ lựa chọn”.
 
Khó kiểm soát?
 
Liên quan đến vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Gia Phan - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam. Ông Phan khẳng định: “Đây là hiện tượng thị trường khó kiểm soát”.
 
“Không trách được người tiêu dùng, bởi những khi thiếu hàng thì họ buộc phải chuyển sang dùng hàng Trung Quốc và dùng nhiều, dùng lâu nên thành quen” - ông Phan cho biết.
 
Cũng theo ông Phan, có rất nhiều nguyên nhân khiến thị trường Việt Nam tràn ngập hàng nông sản Trung Quốc như: nông sản nuôi trồng ở Việt Nam không đa dạng, không bắt mắt, không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng; phương thức bán hàng không ổn định, đôi khi giá cả quá đắt nên người tiêu dùng “ngại” mua.
 
Bên cạnh đó, tuy có những nghi vấn về chất độc hại trong hàng hóa Trung Quốc nhưng các cơ quan chức năng, các nhà khoa học Việt Nam chưa có sự cảnh báo, kiểm soát cũng không thực sự chặt chẽ nên người tiêu dùng cứ vô tư sử dụng.
 
“Đối với tình hình thị trường nói chung thì giải pháp trước mắt là phải kiểm soát việc nhập khẩu hàng nông sản Trung Quốc về Việt Nam, còn về lâu về dài cần thiết phải cải tiến mẫu mã, các nhà sản xuất kinh doanh phải tạo ra những sản phẩm hàng hóa tin cậy; kênh phân phôi đảm bảo thuận tiện, đáp ứng yêu câu về chất lượng, số lượng và giá cả…” - ông Phan cho hay.
 
Hệ lụy thì đã biết rõ, nhưng đó ko phải là định kiến của người tiêu dùng mà do thực tế, khi giải quyết được thực tế này thì sẽ thay đổi được nhận thức và thói quen sử dụng hàng hóa của người tiêu dùng.
 
Phía người tiêu dùng cũng phải cẩn thận với những hàng hóa chưa biết chắc xuất xứ, chất lượng và không nên tham rẻ mua hàng không an toàn, đặc biệt nên ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
 
Rõ ràng, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng hàng rào kỹ thuật thương mại nhằm kiểm soát và quản lý chất lượng nông sản từ các nước vào Việt Nam nói chung, từ Trung Quốc nói riêng.
 
Quỳnh Anh