“Hàng Trung Quốc tràn ngập là một nguy cơ”
(Dân trí) - Tiến sỹ Lê Đăng Doanh đã cảnh báo như vậy tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2008 và Dự báo năm 2009” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức sáng qua 10/12.
Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp của VCCI, so với năm 2007, doanh thu năm 2008 của các doanh nghiệp chênh lệch không nhiều. Trong đó, doanh thu từ 5 - 50 tỷ đồng chiếm 42,22%, trên 100 tỷ đồng chiếm 20%, trên 500 tỷ đồng chiếm 13,33%.
Với doanh thu trên, lợi nhuận và mức độ tăng trưởng lợi nhuận năm 2008 chỉ ở mức trung bình, thấp. Các nhà kinh tế đánh giá, do sự mất giá của đồng USD, sự suy giảm của thị trường chứng khoán, biến động của thị trường bất động sản, lãi suất ngân hàng liên tục trồi sụt… đã ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài các khó khăn chung, doanh nghiệp còn cho rằng cơ sở hạ tầng kém đã ảnh hưởng đáng kể đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, gia tăng chi phí sản xuất, chậm trễ tiến độ giao hàng…
Tình hình xuất khẩu thì các doanh nghiệp cho rằng hiện nay tác động xấu đến các doanh nghiệp xuất khẩu, kết quả khảo sát cho biết có 54% cho là xấu và rất xấu, 56% cho là bình thường, không có bất kỳ ý kiến tốt hay lạc quan nào.
Một số nguyên nhân được đưa ra như ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, rủi ro về tỷ giá, sự chênh lệch của đồng USD so với VND, chính sách xuất nhập khẩu thay đổi, các rào cản về an toàn vệ sinh thực phẩm…
Để vượt qua những khó khăn trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp đã áp dụng một số giải pháp như cắt giảm tối đa các chi phí, giảm lao động, cắt giảm các dự án đầu tư không hiệu quả, điều chỉnh phương thức kinh doanh, đào tạo cán bộ nhân viên, tái cấu trúc doanh nghiệp…
Theo TS. Lê Đăng Doanh, kết quả dự báo trong năm qua thế giới đối mặt với nhiều khủng hoảng liên quan đến tài chính, lương thực, năng lượng, môi trường, lòng tin của người dân và nhà đầu tư bị giảm sút… ảnh hưởng ít nhiều đến kinh tế Việt Nam.
Ông Doanh cho biết, trong tháng 12/2008 và những tháng tiếp theo, chống suy giảm kinh tế; nới lỏng chính sách tín dụng; kích cầu, hạn chế giảm, mất việc làm; doanh nghiệp và nông dân vẫn còn rất nhiều khó khăn…
Đối với năm 2009, theo TS. Doanh do tình hình kinh tế thế giới suy thoái nên tác động đến Việt Nam nặng nề, cấp tập hơn dự kiến ở nhiều mặt như: xuất khẩu, giải ngân FDI, ODA, việc làm... đặc biệt hàng Trung Quốc tràn ngập sẽ là một nguy cơ.
Định hướng kinh doanh của doanh nghiệp năm 2009, có 84,45% doanh nghiệp cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ giữ ổn định và tăng trưởng. Đối với doanh nghiệp giữ nguyên quy mô sản xuất (62,22%), mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh (28,89%), chuyển đổi loại hình kinh doanh, thu hẹp quy mô sản xuất (6,66%).
“Doanh nghiệp cần nhận thức rõ khó khăn của tình hình; đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu của mình; xem khó khăn là cơ hội để cải cách và đổi mới; xây dựng chiến lược tình thế thích hợp; thay đổi mặt hàng, quan hệ với khách hàng và việc làm của người lao động; tìm kiếm các thị trường mới… sao cho hiệu quả tốt nhất” - ông Doanh chia sẻ.
Huỳnh Hải